Cần làm rõ nghi vấn xưởng chế biến khoáng sản gây ô nhiễm làm chết rừng thông

Thời gian qua, nhiều diện tích thông ở các độ tuổi khác nhau tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) đang xanh tốt bỗng dưng chết bất thường. Người dân cho rằng, nguyên nhân do xưởng tận thu chế biến khoáng sản ở gần đó xả khói ô nhiễm làm thông chết. Hiện tượng này hiện nay tiếp tục lan rộng, gây thiệt hại nặng khiến người dân lo lắng.

Người dân xã Đức Vân bên những cây thông mới trồng bị chết.

Chúng tôi đến thôn Bản Đăm, xã Đức Vân chứng kiến nhiều cây thông chết. Quan sát kỹ, nhận thấy phần lớn những cây thông chết đều không có dấu hiệu của sâu bệnh hại thông thường; nhiều cây khác bắt đầu khô từ lá trở xuống thân. Giữa những rừng thông xen kẽ mảng thông chết với mầu nâu sậm của lá héo khô. Trưởng thôn Triệu Ngọc Xuân cho biết, cách đây vài tháng, người dân bắt đầu phát hiện thông chết rồi ngày càng lan rộng. Thông chết gây thiệt hại nặng vì khai thác nhựa thông, tỉa thưa, bán gỗ là nguồn thu chủ yếu của người dân trong thôn.

Đến nay, hiện tượng thông chết hàng loạt đã xảy ra ở rừng của sáu hộ dân trong thôn Bản Đăm với diện tích chết rải rác khoảng 10 ha. Không chỉ những diện tích mới trồng mà cả những cây thông hàng chục năm tuổi cũng bị chết với số lượng lớn, đều cùng một hiện tượng khô lá, cành từ ngọn trở xuống rồi chết. Đáng chú ý, khu vực cây thông bị chết chỉ cách ống khói của xưởng tận thu chế biến kim loại màu thuộc doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc ở xã Đức Vân khoảng vài trăm mét. Kể cả những đồi thông của nhà máy, sát với ống khói cũng bị chết tương tự.

Sau khi thông chết hàng loạt, đại diện nhà máy luyện chì này đã đến hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Ông Phùng Văn Hầu, thôn Bản Đăm cho biết, gia đình ông có 206 cây bị chết, được doanh nghiệp hỗ trợ 25 triệu đồng. Tương tự là hộ gia đình ông Triệu Văn Thắng có 1 ha rừng thông hai năm tuổi cũng bị vàng lá, héo khô, chết. Hộ ông Triệu Văn Cảnh có 17 cây dẻ đã cho thu hoạch nhưng từ khi xưởng tận thu chế biến khoáng sản đi vào hoạt động thì số cây này đã không còn ra hoa, kết quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Lý Quốc Chài cho biết, huyện yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương đền bù thiệt hại, đồng thời hỗ trợ kinh phí để người dân mua thông giống về trồng lại những diện tích đã bị chết. Ngoài ra, huyện chỉ đạo UBND xã Đức Vân phối hợp giám sát hoạt động của xưởng tận thu, tránh để xảy ra tình trạng xả khí thải trực tiếp ra môi trường. Nếu phát hiện sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên, phối hợp giải quyết.

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã làm việc với Chi Cục Bảo vệ môi trường Bắc Cạn. Theo Chi cục, đúng là có hiện tượng nhiều cây thông, cây dẻ ở xã Đức Vân bị chết. Khu vực rừng của người dân có cây chết cách ống khói của xưởng tận thu từ 100 đến 500 m. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có văn bản gửi doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc yêu cầu, trong thời gian chờ đợi xác định nguyên nhân làm cây chết, doanh nghiệp phải phối hợp với địa phương thống kê thiệt hại, bồi thường cho người dân; kiểm tra lại quy trình vận hành nhà máy; rà soát các nội dung bảo vệ môi trường; cam kết trong quá trình hoạt động phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố môi trường.

Thông là cây trồng chủ lực ở xã Đức Vân với diện tích khoảng 300 ha. Hằng năm, khai thác nhựa thông trung bình đạt 20 triệu đồng/ha, là một trong những nguồn thu nhập chính của các hộ dân. Người dân còn khai thác tỉa, khai thác trắng để trồng lại cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Đồng bào xã Đức Vân mong mỏi các cấp chính quyền sớm làm rõ sự việc. Cơ quan chức năng của Bắc Cạn cần sớm lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây chết thông, từ đó có giải pháp bảo vệ bền vững rừng trồng của người dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/38103202-can-lam-ro-nghi-van-xuong-che-bien-khoang-san-gay-o-nhiem-lam-chet-rung-thong.html