Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày 31/10, tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận tại Hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Quang cảnh phiên họp chiều 31/10/2022 Ảnh: An Đăng/TTXVN

Quang cảnh phiên họp chiều 31/10/2022 Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo dõi nội dung báo cáo và phiên thảo luận, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc Quốc hội thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, rất cần thiết và thiết thực được người dân đồng tình ủng hộ.

Việc này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước; kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, có thể nói điểm nổi bật trong giai đoạn 2016-2021 là rà soát, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy quản lý, cải cách hành chính và tinh giản biên chế. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Cụ thể: đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; năm 2020 đã thực hiện tinh giản biên chế gần 24 ngàn người.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường cho rằng, điểm nổi bật là như vậy nhưng điều đó không có nghĩa đã đạt được kết quả như mong đợi. Ở đây có đạt được một số lượng nhất định, mục tiêu đặt ra trong việc giảm đầu mối, tinh giản biên chế. Điển hình nhất là các bộ, ngành ở Trung ương đã sáp nhập các đơn vị trực thuộc, ví dụ như Bộ Công an giảm đầu mối Tổng cục xuống còn cấp cục điều đó cũng có nghĩa là thay đổi mục tiêu quản lý.

Hay một số đơn vị ở các bộ, ngành khác cũng vậy, chỉ là sáp nhập các vụ, các cục, các viện lại. Nhưng quan trọng trong tinh gọn bộ máy là phải loại bỏ sự chồng lấn trong chức năng nhiệm vụ. Như vậy, ý nghĩa của mục tiêu tinh gọn bộ máy quản lý mới đạt được. Trong việc giản biên chế phải xác định được công việc cần thiết cho bộ máy, vị trí việc làm như thế nào thì chúng ta đã đặt ra từ lâu nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Theo cử tri Nguyễn Hữu Cường, để việc thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả cần phải xem xét về trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là việc tổ chức quán triệt thi hành luật như thế nào để nâng cao nhận thức cho các đối tượng chấp hành pháp luật, trước hết là cán bộ thực hiện trong bộ máy đó, sau đó là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật. Đấy là việc làm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Hơn nữa với trách nhiệm là người đứng đầu, là người lãnh đạo, chỉ huy bộ máy của mình, vận dụng học tập như nào để tiết kiệm tối đa nguồn lực của Nhà nước. Với trách nhiệm là người đứng đầu, giám sát bộ máy và nhân viên của mình như thế nào để thực hiện tốt mục tiêu quản lý tinh gọn, tiết giảm chi phí cả nguồn lực về con người, cả nguồn lực về tài chính và nguồn lực về vật chất.

Đồng quan điểm này, anh Phạm Minh Nam, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thảm len Nam Bình cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể để phòng, chống lãng phí, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn bởi việc thực thi trong thực tế còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức đối với công tác phòng, chống lãng phí chưa được phát huy tối đa. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện lãng phí tại các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, xử lý lãng phí ở nhiều nơi còn chậm và chưa nghiêm. Việc động viên, khen thưởng người thực hiện tiết kiệm hoặc phát hiện lãng phí còn hạn chế.

Để công tác phòng, chống lãng phí phát huy tối đa hiệu quả cần rà soát lại chế tài, luật. Trong quá trình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có khó khăn vướng mắc, có những nội dung xa rời thực tiễn, cần sớm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chống lãng phí, giáo dục về quan điểm, lối sống, tư tưởng cho cán bộ, đặc biệt là các cán bộ làm lãnh đạo, quản lý. Tiết kiệm chống lãng phí không đơn thuần là việc có thực thi pháp luật đúng hay không mà nó còn liên quan đến văn hóa, lối sống, nếp sống của con người.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-lam-ro-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-ve-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-20221031163024897.htm