Cần liên kết chặt chẽ trong đào tạo nguồn nhân lực

Diễn đàn 'Thúc đẩy liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại TP Đà Nẵng' do Phòng Thương mại& công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP tổ chức chiều 18-9 đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều đại diện các sở, ngành, các cơ sở đào tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nghiệp (DN).

Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại TP Đà Nẵng” do Phòng Thương mại& công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP tổ chức chiều 18-9 đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều đại diện các sở, ngành, các cơ sở đào tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nghiệp (DN).

Sở LĐTB&XH TP và VCCI Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo kỹ năng.

Sở LĐTB&XH TP và VCCI Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo kỹ năng.

Khó khăn trong tuyển dụng lao động trình độ cao

Theo ông Nguyễn Tiến Quang- Giám đốc VCCI Đà Nẵng, Đà Nẵng là địa phương có số lượng DN lớn nhất khu vực miền Trung- Tây Nguyên với hơn 27.000 DN và nằm trong TOP 5 các tỉnh, thành phố trong cả nước có số lượng DN lớn nhất cả nước. Những năm qua, Đà Nẵng là địa phương triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Với những chính sách đó, trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI thì chỉ số thành phần về đào tạo lao động luôn được cộng đồng DN trên địa bàn TP đánh giá cao và đứng thứ nhất cả nước qua xếp hạng PCI 2018. Nhìn chung, chất lượng đào tạo lao động và giải quyết việc làm của TP đạt kết quả tích cực, góp phần vào việc phát triển DN, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của TP những năm qua, đặc biệt là một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: du lịch, thương mại-dịch vụ, CNTT...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được đó, ông Nguyễn Tiến Quang cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề mà chính quyền, cộng đồng DN, các cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn TP cần đặc biệt quan tâm. Hiện các DN của Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động có trình độ cao. “Qua khảo sát PCI 2018 cho thấy, lao động ở trình độ càng cao thì DN càng khó tuyển dụng và DN Đà Nẵng thì gặp khó hơn so với các tỉnh, thành phố cả nước trong tuyển dụng lao động ở trình độ cao. Khi được hỏi DN gặp khó khăn nào trong tuyển dụng ở vị trí lao động nào thì có đến 86% DN cho rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn 3% so với mức bình quân cả nước. Lao động ở vị trí quản lý, giám sát là 75%, cao hơn cả nước 3%. Công nhân, lao động phổ thông là 32%, cao hơn cả nước 7%. Một số vị trí ít gặp khó khăn hơn bình quân cả nước: Cán bộ kỹ thuật là 63%, thấp hơn 4% so cả nước. Kế toán 23%, thấp hơn cả nước 10% (33%)”- ông Nguyễn Tiến Quang cho hay. Cũng theo ông Quang, những năm gần đây, chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của DN có xu hướng tăng. Cụ thể, chi phí đào tạo lao động tăng từ 4,5% trên tổng chi phí kinh doanh năm 2016 lên 7,8% năm 2018. Chi phí tuyển dụng tăng từ 4,2% năm 2016, lên 5,9% năm 2018.

Ông Nguyễn Văn An- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP- cho biết, qua khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn TP tại 320 DN thì có 190 DN cung cấp thông tin. Theo đó, trong 95.861 lao động đang làm việc tại 190 DN đã cung cấp thông tin, có 44.475 lao động đã được đào tạo có văn bằng/chứng chỉ (chiếm 46,4%), có đến 51.386 lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đến 53,6%. Cũng qua khảo sát này, được biết, trong 3 năm tới (2019-2021), 138/190 DN cung cấp thông tin có nhu cầu tuyển dụng lao động với 31.165 lao động, trong đó nhu cần về trình độ ĐH và trên ĐH là 4.785 (chiếm 15.3%). Trong 190 DN có cung cấp thông tin thì có 57 DN có nhu cầu liên kết đào tạo.

Liên kết giữa DN với các cơ sở đào tạo

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh toàn cầu và tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mỗi quốc gia, mỗi chủ thể trong nền kinh tế luôn đối diện với tính hai mặt của vấn đề đó là cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Và trong những cột trụ của năng lực cạnh tranh quốc gia thì năng lực cạnh tranh của DN là một trong những cột trụ chính. Mà trong đó, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thành tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của DN. Trên cơ sở nhìn nhận đó, hầu hết đại biểu đều cho rằng, việc liên kết giữa các DN và các trường học, cơ sở đào tạo vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP nói riêng, cả nước nói chung.

Trong nhiều kiến nghị đối với các DN, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP đề nghị, các DN cần dự báo và xây dựng kế hoạch nhu cầu về nhân lực của hàng năm, 3-5 năm để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực. Các DN cũng cần có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn cung cấp, báo cáo thông tin về thực trạng về lao động đang làm việc tại DN và nhu cầu về nhân lực tại DN. Đặc biệt, các DN cần Liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của DN. Song song đó, DN cũng cần hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa giáo viên và HSSV đến thực hành, thực tập; tham gia xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra để cùng nhà trường tổ chức đào tạo theo chương trình phù hợp với DN.

Với tư cách là Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam (đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ cho diễn đàn này), ông Chang Hee Lee cho rằng, sự biến đổi của Đà Nẵng trong những thập kỷ qua đã vượt xa sự tưởng tượng của mọi người. Đà Nẵng đã trở thành một TP hiện đại với cơ cấu kinh tế đa dạng, trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn ở Châu Á. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, sự phát triển nhanh chóng luôn đi kèm với những thách thức và chi phí. Và một trong những thách thức đó chính là về nguồn lao động. Đây không chỉ là thách thức của riêng Đà Nẵng mà là của chung cả đất nước Việt Nam. “Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhu cầu cần đủ số lượng lực lượng lao động có trình độ, vì nó đã trở thành một trong những nút thắt lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Đây là một thách thức mà nhiều nước ngày nay có thu nhập trung bình hoặc cao như Hàn Quốc, Nhật Bản đã trải qua vài thập kỷ trước. Việt Nam sẽ phải vượt qua nếu muốn hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao và tránh bẩy thu nhập trung bình. Tôi tin, Việt Nam có thể làm được và có nhiều cách để đạt được nó”- ông Chang Hee Lee chia sẻ. Theo đó, ông cho rằng, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng DOLISA và VCCI về hợp tác đào tạo kỹ năng diễn ra tại diễn đàn này chính là cách thức để Đà Nẵng thực hiện điều đó.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, để thúc đẩy và phát triển chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường với DN, phát triển nguồn nhân lực tại TP Đà Nẵng, cần có những biện pháp cụ thể có tính khả thi cao. “Về phía TP, với vai trò quản lý Nhà nước, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dự báo nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động để DN và nhà trường chủ động có kế hoạch định hướng hiệu quả; ban hành các cơ chế chính sách cụ thể và đồng bộ khuyến khích DN tham gia tích cực vào đào tạo nhân lực. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cũng như phân luồng HS THPT, THCS vào học nghề”- Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh khẳng định.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_212855_can-lien-ket-chat-che-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc.aspx