Cần lưu ý phản ứng người dân ở các trạm thu phí BOT

Khi quy định việc cho phép nhà đầu tư tăng giá phí dịch vụ, kéo dài thời gian hạn thu phí là ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Cần phải lưu ý đến phản ứng người dân ở các trạm thu phí BOT thời gian qua.

Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đánh giá sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực tư nhân, tuy nhiên đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) cho biết còn nhiều băn khoăn về dự án luật này.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Theo đại biểu Mai, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, hợp đồng kinh tế thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường. Trước khi kí kết hợp đồng nhà đầu tư đủ thông minh hình dung ra hai yếu tố là lợi nhuận và rủi ro. Khi kí kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro.

“Ngoài ra, dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng phí, tăng giá dịch vụ, cho phép nhà đầu tư kéo dài thời hạn thu phí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Ở đây, chủ thể phải trả không phải là Nhà nước mà là người dân. Khi đưa quy định này vào dự thảo luật thì tôi nghĩa rằng chúng ta cần nhớ đến phản ứng của người dân ở tại một số trạm thu phí, đến dư luận chưa tốt về một số dự án PPP trong thời gian qua”- đại biểu Mai nhấn mạnh.

Nhà nước chia sẻ rủi ro chứ không bảo lãnh

Giải trình về dự án luật, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu áp dụng cả các luật khác thì nhà đầu tư sẽ không yên tâm để đầu tư. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ để áp dụng các luật khác, tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn.

Do đây là dự án luật theo phương thức đối tác công tư, nên có trách nhiệm nhà nước trong chia sẻ rủi ro, nhà đầu tư bỏ tiền làm nên ông Dũng khẳng định đây là cơ chế chia sẻ rủi ro, chứ không phải là cơ chế bảo lãnh.

"Mục tiêu nhà đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận, chứ không phải chờ thua lỗ nhận hỗ trợ, và việc này không áp dụng tràn lan và chỉ một số ít dự án. Việc kiểm toán dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật, là kiểm toán nhà nước với tài sản công và tài chính công, thực hiện ngay từ khi lập dự án", ông Dũng nói.

Cũng theo đại biểu đoàn TP.Hà Nội, tại Điều 77 của dự thảo luật quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro sẽ tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước. Những dự án quy mô lớn, trọng điểm, nhà nước sẽ chia sẻ 50% rủi ro. “Nhà nước sẽ chia sẻ bằng hình thức nào, nguồn tiền lấy ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào? Đây là câu hỏi hiện chưa có câu trả lời”- đại biểu Mai nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đánh giá các dự án PPP tuy nhiều hình thức đầu tư nhưng ở Việt Nam chủ yếu tập trung hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông mà ít có các công trình ở những lĩnh vực khác như môi trường, xử lý rác thải.

Do đó, ông Lâm đề nghị cần phải huy động nhiều hơn các dự án PPP trong lĩnh vực này, cũng như đề nghị phải siết chặt, minh bạch hơn nữa các dự án BT và không nên lấy quỹ đất để thanh toán cho những dự án BT không có liên quan đến nhau.

Về vấn đề chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng đây là vấn đề quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng không nên bảo lãnh tràn lan, như vậy Nhà nước sẽ nhận phần rủi ro về mình. Do đó, đại biểu Lai Châu đề nghị cần quy định rõ ràng và không nên chia sẻ rủi ro với những dự án mà nhà đầu tư yếu kém về năng lực.

Đồng tình, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị dự thảo luật phải xác định cơ chế chia rẻ rủi ro phù hợp, trên nguyên tắc mức thu công trình dịch vụ thay vì quy định chung chung hiện nay vì cơ chế chia sẻ rủi ro hiện nay quy định là bất hợp lý, tạo kẽ hở cho nhà đầu tư bỏ giá thấp trúng thầu, không đạt mục tiêu đấu thầu cạnh tranh phù hợp./.

Xuân Hưng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/can-luu-y-phan-ung-nguoi-dan-o-cac-tram-thu-phi-bot-78815.html