Cần một chữ 'Tâm'

Chúng tôi gặp TGĐ Công ty Địa ốc Lan Anh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Nam Phương trong chương trình 'Cả nước chung tay Vì người nghèo' năm 2019. Ít ai nghĩ rằng, người phụ nữ thành đạt và có vẻ ngoài tươi tắn ấy từng trải qua nhiều gian khó đến thế. Nhưng chính vì bắt đầu từ gian khó ấy mà giờ đây chị luôn sẵn lòng chia sẻ với cộng đồng.

Doanh nhân Nguyễn Nam Phương.

Doanh nhân Nguyễn Nam Phương.

Khởi nghiệp gian nan

Chị Nguyễn Nam Phương ra đời ở vùng quê nghèo Quảng Xương, Thanh Hóa, khi đó, bố chị, một Đại tá quân đội còn đi biền biệt phục vụ quân ngũ. Một mình mẹ chị chèo chống nuôi các con, vất vả cực nhọc, nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Ngày đó, chị không có đủ sách bút đi học, phải nhặt cả những mảnh giấy của bạn viết dở để chép bài. Vừa đi học, chị vừa giúp mẹ làm bánh, cứ mỗi sáng chị lại đội trên đầu thúng bánh mang ra chợ cho mẹ. Con nhà nghèo nên cả lo từ sớm, mỗi lần được mẹ cho mấy xu, chị không dám tiêu mà mang về cất vào ống luồng trên mái nhà lá, rồi lấy số tiền tiết kiệm đó mua được mấy lon gạo lúc nhỡ bữa, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Nhớ lại thời điểm khởi nghiệp ở Bình Long (Sông Bé), chị kể: Từ ngoài Bắc vào tôi ở nhà chị gái. Nhà chị gái cũng nghèo nên bản thân phải tìm mọi cách bươn chải như việc đi hái tiêu thuê, mỗi thúng vài ngàn rồi lấy số tiền công ít ỏi đó xuống làng mua mít, mua chuối đem về giấm chín, sau đó toòng teng gánh lên bệnh viện Bình Long bán cùng bình nước trà xanh và vài cái chén. Đến trưa tôi đi cắt cỏ tranh đan lát hoặc lấy củi bán. Đêm về lại hì hụi làm bánh bột lọc để sáng mai đem xuống làng đổi gạo… Dành dụm được chút vốn, người bạn rủ tôi về Vũng Tàu làm thu ngân cho một nhà hàng. Ít lâu sau, tôi ra thuê nhà hàng với giá 3 triệu/ tháng để kinh doanh ăn uống. Ban đầu, ký hợp đồng với các cửa hàng mua nguyên liệu rồi trả gối đầu chứ không có sẵn vốn. Nhờ giữ uy tín và biết tính toán, cửa hàng rất đông khách. Năm 1996, tôi bỏ ra 8 chỉ vàng lên Hòa Long, Bà Rịa mua đất làm trang trại chăn nuôi, đầu tư vào mô hình VAC để cung cấp cho nhà hàng ở Vũng Tàu, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đến năm 2006 xây dựng nhà máy sản xuất nước uống đóng chai.

Nghe thì đơn giản vậy nhưng chị bảo, làm cái gì cũng phải chịu thương, chịu khó, phải dành nhiều tâm sức mới thành công.

Bởi thế, khi có khu đất mua làm trang trại trồng cỏ nuôi bò, chị đã nghĩ phải có dân mới phát triển được. Nghĩ là làm, chị đã mạnh dạn đầu tư để đưa dân về. Thấy vùng đất dân trồng trọt không có hiệu quả, chị lại nghĩ đến phương án tạo dựng đầu tư khai phá, dọn dẹp mặt bằng xin đầu tư khu dân cư. Lúc đó chị mới nghĩ đến đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, khởi nguồn cho những thành công lớn sau này.

Một điều đặc biệt: Trong khi phần lớn các doanh nghiệp chọn đầu tư ở những khu đất vàng trong thành phố thì Công ty Lan Anh lại kinh doanh với mục đích phát triển cho địa phương ở các vùng nông thôn hẻo lánh, và muốn cải tạo nơi hoang sơ thành vùng đất màu mỡ thì phải biến những con đường gồ ghề từ thời chiến tranh thành tuyến đường nhựa sạch đẹp. Công ty đã tiên phong khai phá đầu tư vào nhiều khu dân cư nông thôn để bây giờ ai nấy đi qua đều ngỡ ngàng. Chính vì vậy, duy nhất Công ty Lan Anh được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao bằng khen đã có thành tích đóng góp và đầu tư phát triển nông thôn mới trong Tổng kết 10 năm thực hiện nông thôn mới của tỉnh. Chị cũng nhắn nhủ: Thời gian tới, các doanh nghiệp trong tỉnh cần chung tay xây dựng nông thôn mới để bà con mình bớt khó khăn.

Doanh nhân Nam Phương (ngoài cùng, bên phải) trong một chuyến làm từ thiện.

Trách nhiệm cộng đồng

Ngẫm lại hành trình khởi nghiệp của mình, chị Nam Phương vẫn không tin nổi bản thân đã vượt qua được quãng đường gian truân như thế. Nhưng đúng như điều chị tâm niệm, nếu có tâm, có bản lĩnh, có trí tuệ thì trời sẽ không phụ. Sự nghiệp của doanh nhân Nam Phương từ mốc son đầu tiên khi thành lập Công ty TNHH MTV Lan Anh vào năm 2006, với việc xác định bất động sản là mảng kinh doanh cốt lõi. Cũng từ đây, nhiều dự án khu dân cư mang tên Lan Anh lần lượt ra đời. Đến nay, Công ty TNHH MTV Lan Anh đã có một vị trí trong lĩnh vực bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 7 dự án khu dân cư, trong đó, có những dự án nhà ở xã hội, dự án du lịch ven biển, khu dân cư nông thôn mới, biệt thự nghỉ dưỡng…

Nói về nữ doanh nhân Nguyễn Nam Phương với bản lĩnh kiên cường khai phá mở đường phát triển quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần xây dựng phát triển kinh tế đất nước, không thể không nhắc tới thành tích chị đạt được như: Huân chương Lao động hạng Ba được Chủ tịch nước trao năm 2010, VCCI trao tặng danh hiệu“Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng Vàng” dành tôn vinh các nữ doanh nhân năm 2008, 2009, 2011, rồi Cúp Thánh Gióng năm 2016. Công ty Lan Anh đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 3 lần trao tặng giải thưởng Ngọn Hải Đăng và nhiều giải thưởng khác…

Thành công như vậy nhưng chị Nam Phương chưa khi nào thôi trăn trở về trách nhiệm của mình với cộng đồng. Vì đã trải qua những lúc cơ hàn, gặp quá nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, chị càng thấu hiểu sự sẻ chia, đùm bọc có ý nghĩa như thế nào đối với những người nghèo khó. Chính vì vậy, chị đã luôn rộng lòng chia sẻ cho cộng đồng, từ chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết, góp quỹ trẻ em nghèo hiếu học, lo an ninh cho địa phương, làm các biển báo đường dây nóng... Bất kể việc gì có ích cho cộng đồng nằm trong khả năng là chị tham gia. Và trong chương trình “Cả nước chung tay Vì người nghèo”năm 2019 tối 17-10 vừa qua chị đã hỗ trợ 2,1 tỷ đồng.

Những người biết doanh nhân Nam Phương đều hiểu, trước khi làm một doanh nhân có tâm với cộng đồng, chị còn là một người con hiếu thảo. Về đến nhà là chị gác hết công việc ngoài xã hội để chăm lo cho người mẹ nay đã 94 tuổi. Mẹ chị có 6 người con nhưng chỉ thích ở với chị, vì chỉ có chị mới chiều được bà, không phải vì có tiền của mà chị luôn hiểu tâm lý người già. Nhiều lúc lướt mạng xã hội, thấy cảnh con đánh cha, mắng mẹ, chị rất bức xúc. Chị luôn giáo dục con cháu về chữ hiếu, làm gì cũng phải có chữ hiếu làm đầu, nếu bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa thì sẽ là người vô dụng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trên thương trường, chị Nguyễn Nam Phương cũng vẫn chỉ có một chữ “Tâm”. Mình làm gì thì làm nhưng sống phải thật có tâm! Bởi vậy Công ty Lan Anh xin đầu tư dự án tại các địa phương, khi họp dân lấy ý kiến, 100% người dân ủng hộ. Nhưng, như rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, Công ty Lan Anh gặp phải không ít vướng mắc trong chính sách. Chị cho biết: Mặt trận Tổ quốc đã đề nghị với Chính phủ đưa ra các Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, các hướng dẫn về Luật lại chưa cụ thể, còn chồng chéo giữa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Thương mại... “Mới đây, VCCI đã đưa ra 20 điểm chồng chéo giữa các luật nhưng theo tôi là còn nhiều hơn, rồi khi giao về cho các địa phương lại đẻ ra những giấy phép con. Đến khi doanh nghiệp muốn đầu tư mỗi nơi hướng dẫn một kiểu, thành ra doanh nghiệp không thực hiện được đúng dự tính của mình. Doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư sẽ đồng nghĩa với việc người lao động không có cơ hội việc làm. Do đó, Chính phủ cần đưa ra chế tài xử phạt người vi phạm thủ tục hành chính gây rắc rối, chậm trễ cho doanh nghiệp và cho người dân” - chị Nam Phương đề xuất.

Mang trên mình nhiều trọng trách nhưng chị Nguyễn Nam Phương vẫn dành rất nhiều sự quan tâm đến thời cuộc, đến giới trẻ, bởi đó chính là tương lai của đất nước. Chị không khỏi băn khoăn khi một bộ phận lớp trẻ bây giờ không có ý chí, thấy khó khăn một chút đã nản lòng, bất mãn… Chị cũng chia sẻ rằng chị muốn viết một cuốn sách về bước đường khởi nghiệp dành cho những người trẻ để truyền lại kinh nghiệm của mình. Chị mong muốn lớp trẻ phải có ý chí, bản lĩnh, biết tích cóp cho tương lai, từ đồng xu, bạc cắc mới có tiền hào, tiền trăm. Rồi từ cuộc đời của chị, họ sẽ tìm thấy niềm tin, động lực cho mình để tiếp tục trên con đường gian nan mà vinh quang luôn ở phía trước.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nhan/can-mot-chu-tam-tintuc450276