'Cần một cuộc đại phẫu thuật đối với toàn ngành giáo dục'

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định như vậy khi trao đổi với báo Điện tử Tổ Quốc về vụ sửa điểm thi tốt nghiệp THPT gây rúng động dư luận.

- Thưa ông, câu chuyện của ngành giáo dục đã không dừng lại dưới một mái trường. Như GS. Hoàng Tụy từng nhận định: ngành giáo dục của chúng ta đầy rẫy những "khối u dị dạng". Qua vụ việc gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La… càng cho thấy vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục đang xuống cấp. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Infonet))

+ Sự việc xảy ra trong ngành giáo dục, từ vụ Hà Giang, Sơn La…, tôi cho rằng không chỉ dừng lại ở các tỉnh đó mà danh sách có thể còn dài nữa. Đã đến lúc rung lên tiếng chuông cảnh báo về đạo đức trong ngành giáo dục. Không chỉ trong ngành giáo dục mà các ngành khác cũng cần có đạo đức. Ví như trong ngành y cũng phải rung lên tiếng chuông cảnh báo về y đức, và trong ngành giáo dục cũng vậy, cần rung lên tiếng chuông cảnh báo về đạo đức của người thầy.

Trước đây trong ngành giáo dục cũng đã từng cảnh báo về tình trạng các cô bảo mẫu dùng bạo lực với học sinh, hành hạ học sinh, thậm chí đánh đập học sinh, bắt học sinh quỳ hàng tiếng đồng hồ, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng… Và qua vụ gian lận điểm đang diễn ra đã cho thấy vấn đề đạo đức người thầy.

Việc gian lận điểm thi vừa qua đã vi phạm ít nhất 4 văn bản pháp luật, gồm: Luật Giáo dục; Luật Cán bộ công chức viên chức; Quy chế của ngành giáo dục về thi cử; Những điều cán bộ Đảng viên không được làm…

Thầy cô luôn giảng cho học sinh là phải thực thà, trung thực, công bằng, khách quan, nghiêm minh nhưng trong trường hợp này người thầy lại không trung thực, nghiêm minh… Rõ ràng là có sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức. Trong khi chúng ta đề cao môn Giáo dục công dân, giáo dục đạo đức trong nhà trường thì chính người thầy lại vi phạm.

Qua đây tôi thấy rằng cần có một cuộc đại phẫu thuật đối với toàn ngành giáo dục. Cần kiểm tra tất cả các tỉnh thành về việc chấp hành quy chế thi cử, chấp hành quy định của Luật Giáo dục mà Quốc hội đã thông qua.

Tôi cho rằng, đã đến lúc những người thầy, người cô phải xem lại đạo đức của mình, xem xét tính trung thực, thật thà và chấp hành mọi quy định của pháp luật trong ngành giáo dục. Có như vậy thầy cô mới là tấm gương cho học sinh noi theo, là niềm tin để phụ huynh gửi gắm con em của họ vào các cơ sở giáo dục đào tạo.

-Việc làm thiếu trung thực của ông Phó phòng khảo thí Vũ Trọng Lương và những người liên quan cũng đồng nghĩa với việc “đánh cắp” quyền vào đại học của nhiều học sinh khác. Việc làm đáng lên án này cũng là “vết nhơ” của ngành giáo dục. Ông có cho rằng, vấn đề không còn nằm ở quy chế hay lỗ hổng trong phương pháp tuyển sinh nữa mà là con người?

+ Tôi rất bất ngờ trước thông tin gian lận điểm thi. Từ trước đến nay cũng có gian lận trong thi cử nhưng chỉ là giám thị “lờ” đi cho học sinh chép bài hoặc mang “phao” vào phòng thi…chứ chưa bao giờ xảy ra sự việc như thế này.

Tôi cho rằng, việc rút hàng trăm bài thi đi sửa thì không chỉ có mỗi mình cá nhân ông Phó phòng Khảo thí làm mà chắc chắn là có cả một đường dây gian lận điểm. Việc ông Trưởng phòng đưa chìa khóa cho ông phó phòng tự do vào mở và những người làm nhiệm vụ giám sát tối hôm ấy thì bỏ đi… đã chứng tỏ ở đây có hệ thống, có đường dây chạy điểm. Họ nâng điểm cho con cái quan chức tỉnh, con em các doanh nghiệp… Điều này đồng nghĩa với việc họ đã đánh cắp quyền vào đại học của người khác để cho con em mình.

Vì thế tôi cho rằng, cần mở một cuộc “đại phẫu thuật” đối với các tỉnh thành, địa phương. Địa phương nào tương tự như Hà Giang thì cần phải xử lý nghiêm. Địa phương nào nghiêm túc thì phải trả lại giá trị cho địa phương đó.

Qua đây cần có phong trào, mạnh mẽ quyết liệt về giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các thầy cô giáo tại tất cả các bậc học, ngành học của ngành giáo dục.

-Những “bức xúc” trong ngành giáo dục gần đây chính là lý do tại các kỳ họp Quốc hội, các kỳ chất vấn, lĩnh vực giáo dục luôn được truyền thông, các đại biểu Quốc hội “quan tâm” nhất. Ông nhận định như thế nào về vai trò của người đứng đầu ngành?

+ Ngành giáo dục đào tạo liên quan đến tất cả mọi người, mọi gia đình. Gia đình nào cũng có con em, cháu chắt đi học, phụ huynh cũng đi học. Ngành giáo dục thấm sâu vào từng gia đình. Thơi gian vừa qua, chất lượng đào tạo trong giáo dục rất được quan tâm. Nhưng dư luận quan tâm hơn về vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục, vì nhiều sự việc xảy ra thời gian qua đã cho thấy dấu hiệu của sự xuống cấp về mặt đạo đức.

Vì vậy, ngành giáo dục trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục , đồng thời nâng cao chất lượng về đạo đức nhà giáo. Tôi thấy phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lời giải và lời giải này không ai khác là vai trò của ngành giáo dục đào tạo.

Ví như qua sự việc gian lận điểm thi vừa rồi thì trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu của các địa phương như Sở Giáo dục đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo… Tuy họ không trực tiếp làm nhưng sự việc xảy ra trên địa bàn của họ và trong lĩnh vực họ quản lý thì ít nhất cũng phải có thái độ, văn hóa từ chức hoặc xin lỗi trước toàn dân. Và đối với cơ quan quản lý nhà nước nước ở TƯ thì cũng phải xin lỗi trước nhân dân, nhận lỗi trước Quốc hội và trước Chính phủ.

- Để tránh tình trạng như vừa qua, ông có “hiến kế” gì về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học cho những năm sau?

+ Tôi cũng từng có góp ý cho Bộ GD-ĐT tại nhiệm kỳ Quốc hội hóa 12-13. Đối với giáo dục phổ thông thì chúng ta gần như đã phổ cập rồi. Theo tôi, với giáo dục phổ thông thì chúng ta chỉ nên là xét tốt nghiệp của 3 năm học phổ thông (cấp 3) và đồng thời cho kiểm tra chất lượng ở năm cuối cùng (lớp 12) của hệ phổ thông để xét tốt nghiệp.

Còn thi đại học, vì đại học là cạnh tranh nên để kỳ thi này do các trường đại học tự chịu trách nhiệm trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Các trường đại học tự chủ trong việc ra đề, chấm thi và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của trường mình.

Tôi cho rằng chỉ cần 1 kỳ thi đó là kỳ thi tuyển sinh đại học.

- Dù sao thì con người thực thi như thế nào mới là quan trọng, thưa ông?

+ Đúng vậy! Dù có quy chế chặt chẽ dường nào thì yếu tố quan trọng vẫn là con người. Ngành giáo dục phải tuyển chọn người vừa có tâm, vừa có năng lực, vừa có đạo đức nghề nghiệp để từ đó tạo nên nguồn nhân lực cho xã hội.

Qua nhiều sự việc, đặc biệt là vụ gian lận điểm thi gây sửng sốt dư luận tại Hà Giang… cho thấy cần phải cải tổ yếu tố con người trong ngành giáo dục để tạo ra những người đủ tâm, đủ tầm.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/can-mot-cuoc-dai-phau-thuat-doi-voi-toan-nganh-giao-duc-352747.html