Cần một quyết tâm cao

Theo Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường có chiều dài 98km đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh). Với quy mô 4-6 làn xe, tuyến đường hoàn thành trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội hoàn thành trước năm 2018. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai do có quy mô lớn, gặp khó khăn về bố trí vốn (được xác định từ ngân sách nhà nước), trong khi việc khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để đầu tư dự án không khả thi.

Hệ quả là một dự án giao thông quan trọng có tính kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô bị “treo” tới 10 năm. Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông ở Hà Nội không thể giải quyết dứt điểm khi các phương tiện trung chuyển qua Hà Nội đi các địa phương đều dồn vào đường Vành đai 3. Mục tiêu giãn mật độ dân cư đô thị trung tâm, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại cũng khó đạt được nếu không sớm hoàn thành quy hoạch hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường Vành đai 4.

Mới đây, kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Căn cứ tính hiệu quả để tập trung, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 Vùng Thủ đô. Đây có thể coi là định hướng khởi động lại dự án đường Vành đai 4, song cũng đặt ra yêu cầu phải có giải pháp mới đột phá, tháo gỡ vướng mắc khiến dự án chưa thể triển khai trong thời gian qua. Đó là cơ chế huy động nguồn lực đầu tư trong bối cảnh vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp; phương án đầu tư bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; yêu cầu hình thành đồng bộ toàn tuyến để bảo đảm tuyến Vành đai 4 trở thành động lực liên kết và phát triển Vùng Thủ đô...

Một số đề xuất ban đầu đã được lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang cùng đưa ra, như thêm phương án xây dựng phần đường cao tốc trên cao; thành phố Hà Nội giữ vai trò chủ trì từ nghiên cứu quy hoạch đến lựa chọn nhà đầu tư... Những đề xuất này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tuy nhiên, trong thẩm quyền, các sở, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, tham mưu UBND 5 tỉnh, thành phố cân đối nguồn vốn ngân sách bên cạnh cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư cùng tham gia dự án theo hình thức đối tác công tư (ước tính với phương án "đi bằng" là khoảng 105.000 tỷ đồng, với phương án "đi trên cao" là khoảng 135.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 50%). Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần sớm cụ thể hóa phương án đầu tư kể cả trên cao và đi bằng, bởi tuyến Vành đai 4 là dự án có quy mô lớn, công tác chuẩn bị sẽ cần nhiều thời gian. Bài học kinh nghiệm là nếu không chuẩn bị sớm, triển khai sớm, việc đầu tư sẽ càng khó khăn và chi phí ngày càng tăng cao.

Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 4 sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, trong đó có Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố đã đề ra. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình. Vì thế, ngay lúc này các đơn vị cần vào cuộc với một quyết tâm cao nhất.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1000722/can-mot-quyet-tam-cao