Cần một sự thay đổi lớn

SGTT.VN - Khi quốc gia nhập nhóm các nước phát triển, Hàn Quốc cần một sự thay đổi lớn để không bị chựng lại.

SGTT.VN - Năm 1960, Hàn Quốc còn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới do hậu quả của cuộc chiến, với thu nhập bình quân tính trên đầu người ngang với những nước nghèo nhất của châu Phi. Đến cuối năm 2011, Hàn Quốc được đánh giá là thịnh vượng ngang ngửa một quốc gia châu Âu, với GDP bình quân đầu người đạt 31.750 USD (EU ở mức 31.550 USD). Từ một nước chủ yếu nhận viện trợ nước ngoài, Hàn Quốc đã vươn lên thành nước giàu chỉ trong vài chục năm.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Hàn Quốc đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng sau đó lại phục hồi nhanh chóng. Từ tháng 6.2008 – 2.2009, Hàn Quốc mất 1,2 triệu việc làm. Chỉ tính trong tháng 9.2011, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 1,1 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Năm 2010, GDP Hàn Quốc tăng 6%. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 4%. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3%. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (cựu CEO của tập đoàn Hyundai) đã thực hiện chương trình tạo việc làm để mở rộng lực lượng lao động thêm 2%.

Người Hàn làm việc tới 2.200 giờ/năm, cao gấp đôi tần suất lao động của người Hà Lan hay người Đức. Trong quá trình kinh tế phục hồi từ 2009 – 2010, tỷ lệ giờ làm trong lĩnh vực sản xuất tại Hàn Quốc xếp thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Đài Loan. Mặt khác, xét về tương quan GDP, Chính phủ Hàn dành ngân sách đầu tư giáo dục cao hơn bất kỳ nước giàu nào khác.

Được xem là hình mẫu cho những nền kinh tế đang phát triển, mô hình Hàn Quốc thập niên 1960 – 2010 dựa trên các yếu tố: lao động cần cù, các tập đoàn (chaebol) hùng mạnh, nhóm công ty nhỏ và sự kết nối tốt về mặt xã hội. Tất cả những yếu tố này đang cần được đánh giá và cải tổ để quốc gia này tiếp tục đà tăng trưởng.

Theo chuyên gia Song Yeong Kwan, thuộc viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), một trong những vấn đề nóng sốt của nền giáo dục là sinh viên tốt nghiệp không được đào tạo kỹ năng thích hợp để tìm việc. Một vấn đề khác là do bận việc nội trợ và chăm sóc con cái, tỷ lệ phụ nữ Hàn Quốc độ tuổi từ 25 – 54 tham gia lực lượng lao động chỉ 62%, dù họ có bằng cấp cao hơn so nam giới.

Mô hình tập đoàn kinh tế Hàn Quốc được nhiều nước học theo, nhưng thực tế cho thấy dễ nảy sinh gian lận tài chính và vận động chính trị không hợp pháp. Nhiều tập đoàn như Samsung Electronics còn bị hạn chế, thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh bởi đặc tính gia đình trị. Một khi cấp quản trị trong một tập đoàn tầm cỡ lại được thừa kế trong một gia đình, điều này khiến kinh tế cả nước có thể bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, kinh tế Hàn còn một thực trạng là các công ty nhỏ khá yếu. Có một khoảng cách rất lớn giữa các tập đoàn xuất khẩu và các công ty nhỏ và vừa (SME) hoạt động trong ngành dịch vụ. Lợi nhuận bán hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ 4,5%/năm so với 7% của tập đoàn. Do vậy, Hàn Quốc tuy đứng đầu thế giới về hàng xuất khẩu nhưng chỉ xếp thứ ba về dịch vụ.

Năm ngoái, Chính phủ Hàn yêu cầu các ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn ưu đãi. Nhưng ông Randall Jones, chuyên gia tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá biện pháp này “lợi bất cập hại”, vì khiến doanh nghiệp dần dà mất khả năng cạnh tranh.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt với thách thức lớn. Để đạt mục tiêu duy trì tăng trưởng 4,5%/năm thì Hàn Quốc phải cải thiện mạnh mẽ các yếu tố nêu trên.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/quoc-te/155742/can-mot-su-thay-doi-lon.html