Cần nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác thải tại nguồn

Tại nhiều nơi trên thế giới, một lượng không nhỏ rác thải được biến thành tài nguyên. Còn với chúng ta, rác thải vẫn là một gánh nặng khổng lồ. Để thay đổi được điều này là một chặng được dài, nhưng dù như thế nào thì cũng phải làm tốt 'bước đầu tiên', đó là phân loại rác thải tại nguồn.

Áp lực từ rác thải

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội được tập trung xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.

Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh các khu xử lý, trong khi tại Hà Nội chỉ có hai khu xử lý chất thải, khiến công tác xử lý rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Người dân hưởng ứng chương trình phân loại rác thải tại nguồn

Người dân hưởng ứng chương trình phân loại rác thải tại nguồn

Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng. Các dự án còn lại đều chưa được khởi công.

Điều đáng nói đó là dù là công nghệ nào, việc “tận dụng” nguồn tài nguyên rác cũng không thoát khỏi khâu đầu tiên đó là phân loại rác. Phân loại rác tại nguồn có vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời giúp cho quá trình tái chế trở nên đơn giản và ít tốn kém.

Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã triển khai Dự án phân loại rác thải tại nguồn (Dự án 3R) ở một số phường với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, sau đó lực lượng chức năng sẽ có xe để thu gom các loại rác riêng. Tuy nhiên, với những lý do khách quan, dự án chỉ tiến hành đến năm 2009. Cho đến nay, các hoạt động phân loại rác tại nguồn vẫn ít chuyển biến.

Tín hiệu tích cực

Từ đầu tháng 8/2020, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đang phối hợp thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa. Chương trình hiện đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.

Sau 2 buổi thu đổi rác tái chế, URENCO đã thu được 1.306kg rác tái chế. Trong đó có 236kg là rác thải nhựa (chiếm 18%); 936kg là bìa, giấy (chiếm 71,6%)... Theo đại diện URENCO, lượng rác này sẽ được URENCO sơ chế và chuyển đến các đơn vị xử lý riêng biệt. Trong đó, nhựa chuyển về URENCO 10 để chế biến thành các hạt nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Các loại giấy và nhựa không tái chế được sẽ chuyển về URENCO 11 để sản xuất viên đốt RPF làm nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp. Đây thực sự là một tín hiệu tích cực.

Chất thải rắn sinh hoạt được vận chuyển qua dây chuyền đưa vào lò đốt.

Thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện mới chỉ dừng ở hoạt động thí điểm, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn đang xin ý kiến để hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý. Đi đôi với đó là đề xuất lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần... Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cũng như người dân từng bước thay đổi thói quen cũ, cùng hướng tới một mục tiêu chung từng bức tạo chuyển biến rõ nét.

Hiện nay, nhiều nước phát triển đã áp dụng công nghệ tiên tiến, biến rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng thành nguồn nguyên liệu giá trị để sản xuất nhiên liệu, vật liệu làm đường… Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian dài nghiên cứu, đầu tư và chính sách... nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đồng bộ ngay từ khâu phân loại rác tại nguồn.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-112260.html