Cần nâng cao hơn nữa công tác giám sát

Ngày 23/10 vừa qua, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). Dự kiến kỳ họp sẽ kéo dài 26 ngày. Trong thời gian làm việc, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội sẽ xem xét 27 dự án luật, nghị quyết; miễn nhiệm và phê chuẩn hai thành viên Chính phủ; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016'; thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác, như: Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…

Tiếp tục tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội thu gọn thời gian báo cáo để tăng thời gian cho việc góp ý, thảo luận; tăng số buổi phát thanh và truyền hình trực tiếp lên 11 ngày làm việc. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, thảo luận về dự toán ngân sách được lồng vào với thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Thêm một điều đầu tiên nữa là, tại kỳ họp này, các đoàn khách tham quan Bảo tàng Hoàng thành Thăng Long được phép dự thính phiên họp đang diễn ra.

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đánh dấu một nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Theo đó, sau rất nhiều năm chúng ta mới hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu cả 13 chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua; dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay khi đạt trên 45 tỷ USD. Tính đến hết ngày 15/10/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 325,41 tỷ USD, tăng 20,9% (tương ứng tăng gần 56,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức thặng dư gần 1,09 tỷ USD.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp cho rằng, đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao (Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ, chỉ số phát triển bền vững (SDG Index) của Việt Nam năm 2017 hạng 68/157, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN (sau Singaprore hạng 61, Thái Lan hạng 55, Malaysia hạng 54).

Tại kỳ họp này, những dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nhất là 6 dự án luật được thông qua (Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi; Luật Quy hoạch; Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản sửa đổi; Luật Quản lý nợ công sửa đổi) sẽ góp phần tích cực vào quản lý bảo vệ tài nguyên, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Qua ý kiến cử tri và nhân dân, thấy nhân dân và cử tri mong muốn hoạt động lập pháp cần nâng cao hơn nữa để hạn chế dần “luật khung, luật ống”; tiếp tục chuyển sang Quốc hội tranh luận; quan tâm hơn đến giám sát cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp bộ máy; sớm sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; siết chặt quản lý chi tiêu công. Đồng thời nâng cao hơn nữa công tác giám sát, nhất là việc thực hiện kết luận giám sát và giám sát việc thực hiện cam kết, lời hứa của các vị tư lệnh ngành.

Thanh Hiền

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/can-nang-cao-hon-nua-cong-tac-giam-sat-post2051.html