Cần ngăn chặn can thiệp từ bên ngoài mới hạn chế được tiêu cực

Đấu thầu qua mạng được xem là xu thế phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa tới mọi lĩnh vực và dần thay thế đấu thầu truyền thống. Tuy nhiên, cũng cần được quản lý chặt chẽ thì mới hạn chế được tiêu cực…

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2018 có 641 dự án sửa chữa đường bộ, gồm cả các sở, các cục đã có kế hoạch chi (đủ điều kiện đấu thầu). Đến nay đã đấu thầu 606 gói (94,6%), trong đó có 276/606 gói đấu thầu qua mạng, đạt 43% tổng số dự án đấu thầu trong năm, nhưng đạt trên 50% tổng số gói đấu thầu dự án quy mô nhỏ.

So với chỉ tiêu đảm bảo tối thiểu 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ mà Bộ GTVT giao và chỉ tiêu 40% số gói thầu quy mô nhỏ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao, thì hiện đều đã hoàn thành. Theo đánh giá, đấu thầu qua mạng đem lại nhiều tiện ích: Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế; đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch. Ví dụ như trong 276 dự án quản lý, bảo trì đường bộ đã đấu thầu qua mạng từ đầu năm 2018 đến nay đã có 259 dự án có kết quả đấu thầu, tiết kiệm 55,38 tỷ đồng.

Đáng ghi nhận trong việc đấu thầu qua mạng là toàn bộ thông tin đấu thầu từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, đến kết quả lựa chọn nhà thầu đều được công khai trên hệ thống, thông tin được lưu trữ và sử dụng cho nhiều lần đấu thầu. Khi chưa mở thầu, chủ đầu tư hay đơn vị mời thầu, nhà thầu, thậm chí cả người quản trị hệ thống sẽ không biết được bất cứ thông tin gì trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu.

Do đó, đấu thầu qua mạng không chỉ giúp loại bỏ hiện trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ” nhờ việc giữ bí mật số lượng và tài liệu nhà thầu tham dự đến trước thời điểm mở thầu, mà còn hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, nảy sinh tiêu cực. Mọi thông tin được lưu trữ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra cũng như trả lời các khiếu kiện, thắc mắc liên quan.

Công nhân sơn vạch kẻ đường, bảo dưỡng các hạng mục trên quốc lộ (Ảnh minh họa)

Đánh giá là vậy, nhưng thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận đã nhận được đơn kiến nghị, khiếu nại của một số doanh nghiệp tham gia đấu thầu các gói thầu bảo trì. Qua đó cho thấy, vẫn không tránh khỏi hoài nghi về dấu hiệu tiêu cực trong đấu thầu qua mạng.

Theo kỹ sư CNTT Phạm Đức Thịnh, đấu thầu hay bất cứ hoạt động nào qua mạng đều phải thông qua phần mềm chuyên dụng. Mà phần mềm là do con người tạo ra, được sử dụng qua hệ thống máy tính và đường truyền Internet. Bởi vậy, những hoạt động qua mạng cũng không khó để có sự can thiệp của con người.

“Tôi không đánh giá chủ quan về hoạt động đấu thầu qua mạng, nhưng hoạt động đấu thầu hay gì đi nữa cũng cần được quản lý chặt chẽ về quy trình, nhất là công tác quản lý, điều hành, để hạn chế sự can thiệp của con người vào hoạt động của phần mềm mới mang lại hiệu quả thực sự” – Kỹ sư Phạm Đức Thịnh nêu qua điểm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kể từ năm 2019, 100% các gói thầu bảo trì đường bộ sẽ lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đối với các gói thầu tư vấn kiểm toán, một số gói thầu khác tuy nằm trong hạn mức được Chính phủ cho phép chỉ định thầu, nhưng nếu không cấp bách sẽ tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh và phải áp dụng đấu thầu qua mạng.

Phương Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-ngan-chan-can-thiep-tu-ben-ngoai-moi-han-che-duoc-tieu-cuc-126068.html