Cần ngăn chặn hành vi viết, vẽ lên di tích, di sản

Tại nhiều diễn đàn, tọa đàm bàn về môi trường du lịch và bảo tồn di sản, hành vi vẽ, viết, khắc bậy lên những di tích, hiện vật luôn là chủ đề nóng và gây ra nhiều tranh cãi.

Từ những ký tự nguệch ngoạc tô vẽ vô tư trên mặt bàn, mặt ghế, tường trường học hay các hàng cây, cột điện, thói quen bạ đâu vẽ đấy còn theo một số người tới cả những di tích, di sản quốc gia, thậm chí là sang các nước khác.

Ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, nhiều di tích như tháp Hòa Phong, tháp Bút, Văn Miếu Quốc Tử Giám… cũng không thoát khỏi nạn viết, vẽ bậy. Bia đá núi Bài Thơ ở Hạ Long khắc ngập tràn những lời tình cảm của nam thanh, nữ tú. Hệ thống đền, chùa linh thiêng ở đất Cố đô Huế cũng chẳng được tha. Hành vi viết, vẽ bậy còn theo cả những bước chân khám phá ghi dấu lên đỉnh núi Fansipan…

Đây dường như đã là “căn bệnh” lâu năm của không ít người. Đành rằng, lưu lại dấu ấn cá nhân khi đi tới những miền đất mới, nhất là những nơi ít có dịp quay lại là nhu cầu của nhiều người, nhưng “lưu” bằng cách vẽ, khắc bậy lên những hiện vật trong di tích là hành vi phản văn hóa không thể chấp nhận. Bởi không chỉ góp phần hủy hoại di tích, di sản, hành vi này còn tác động không nhỏ đến không gian văn hóa, môi trường du lịch.

Ở nước ta, không phải không có quy định xử phạt đối với hành động xấu xí này. Theo đó, người viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nghệ thuật có thể bị phạt tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Nhưng trên thực tế, việc truy tìm, xử lý những kẻ có hành vi phá hoại này thời gian qua chưa triệt để cho nên không tạo được tính răn đe; mức độ xử phạt cũng còn nhẹ khiến việc đẩy lùi nạn viết, vẽ bậy chưa thật sự chuyển biến.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa, hành vi này có thể bị phạt tù vài năm và phạt hành chính tương đương hàng chục triệu đồng tiền Việt nếu xảy ra thiệt hại nghiêm trọng. Hay ở Singapore, hành động phá hoại công trình văn hóa và công cộng sẽ bị phạt đánh đòn và nộp phạt nặng, thậm chí ngồi tù…

Để bảo vệ các di tích, di sản thiên nhiên, văn hóa của Việt Nam, cũng là tạo môi trường du lịch văn minh, có trách nhiệm, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách quốc tế, cần chấm dứt ngay tình trạng ngang nhiên viết, vẽ bậy của người Việt Nam ở trong nước cũng như khi ra nước ngoài. Trước mắt, bên cạnh tăng cường vai trò tuyên truyền, giám sát của ban quản lý điểm đến các di tích, di sản như lắp đặt thêm các thiết bị ca-mê-ra theo dõi, phát tờ rơi quy định những điều được, không được làm; có chế tài xử phạt hợp lý để nâng cao tính nghiêm minh, khả năng răn đe của pháp luật.

Còn về lâu dài, để thay đổi tận gốc một thói quen xấu trong văn hóa ứng xử chỉ có thể giải quyết bằng việc thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức văn hóa của người dân, mà muốn xây dựng văn hóa lại cần xuất phát từ giáo dục. Và đây là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

ĐẮC LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38187202-can-ngan-chan-hanh-vi-viet-ve-len-di-tich-di-san.html