Cần nghiên cứu bỏ lương tối thiểu?

Nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì không đúng, nên cần nghiên cứu loại bỏ, đồng thời tăng chính sách bảo trợ xã hội.

Đó là đề xuất của ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng thương mại (nay là Bộ Công thương) tại Hội thảo “Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam”, ngày 13/9.

Ông Tuyển phân tích, trên thực tế, có khoảng 50% người dân không chịu tác động bởi lương tối thiểu. Cần mạnh dạn bỏ lương tối thiểu, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương. Để làm sao doanh nghiệp họ thấy trở nên cạnh tranh hơn thì họ sẽ tự nguyện tăng lương cho người lao động.

Cũng theo vị này, lập luận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khi đề xuất tăng lương thường đưa ra là “người lao động không đủ sống”.

Phản biện lại quan điểm này, ông Tuyển cho rằng việc nói “đủ sống” hay không rất khó. Đủ sống ở mỗi thời điểm là khác nhau. Bây giờ có thể là đủ nhưng mai kia thì chưa chắc.

Ông Trương Đình Tuyển tại buổi hội thảo. Ảnh BizLive

Trong khi đó, đại diện nhóm nghiên cứu, theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Dưới góc nhìn của cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, thừa nhận cách tính lương tối thiểu thời gian qua "có vấn đề".

Tuy nhiên, theo ông, nhóm nghiên cứu đưa ra tiền lương tối thiểu tăng nhanh so với năng suất lao động. Vấn đề ở đây năng suất lao động được đề cập đến là năng suất lao động xã hội hay năng suất lao động công nghiệp.

Trong khi, tiền lương tối thiểu đang điều chỉnh trong khu vực công nghiệp buộc phải so sánh với năng suất lao động công nghiệp, không thể so sánh tiền lương trong khu vực công nghiệp với năng suất lao động xã hội. Đây là so sánh khập khiễng.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp lần 2 của Hội đồng tiền lương Quốc gia tại Hà Nội, ngày 28/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vẫn giữ nguyên mức đề xuất là tăng 5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động VN đã chấp nhận hạ đề xuất mức tăng từ 13,3 % xuống 8%.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng đưa ra nhận định: "Ngay cả khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng, không có nghĩa là người lao động được tăng lương thực sự.

Nếu doanh nghiệp khó khăn, có thể họ sẽ phải giảm thu nhập của đa số người lao động từ phần lương “mềm” để bù vào các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn tăng thêm.

Các doanh nghiệp yếu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không đủ sức chịu thêm các chi phí này, có thể chọn cách dừng lại và nhiều người lao động sẽ không có việc làm”.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-nghien-cuu-bo-luong-toi-thieu-3343023/