CẦN NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND, UBND KHI TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP HỒ CHÍ MINH

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt chức năng cơ quan đại diện của nhân dân.

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường khi tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường đòi hỏi phải xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn mà Hội đồng nhân dân quận, phường đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều mà đại biểu Nguyễn Hồng Vân băn khoăn nhiều nhất đó là quyền dân chủ, quyền đại diện của nhân dân trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực đã bị cắt bỏ một kênh hết sức quan trọng, đó là ở Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường. Vì thực tế trong thời gian qua đã thấy thực hiện theo mô hình hiện tại, quyền dân chủ và quyền đại diện của nhân dân được thực hiện hết sức là đầy đủ qua các kênh Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực. Những vấn đề xảy ra một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng mà cấp ủy và các cấp chính quyền của Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phải bỏ nhiều công sức và thời gian để giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đóng góp ý kiến.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân vẫn đồng tình với mục tiêu đảm bảo chính quyền khu vực đô thị tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, quy mô của Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị với gần 10 triệu dân, là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là trung tâm kinh tế của cả nước có sức thu hút lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị phù hợp với những đặc điểm trên của Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết, nhưng phải hết sức thận trọng, có lộ trình, bước đi phù hợp.

Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Hồng Vân đề nghị Quốc hội xem xét trước mắt chỉ thực hiện việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận của 19 quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với 665 đại biểu. Vì Thành phố Hồ Chí Minh có thể giảm bớt biên chế Hội đồng Nhân dân ở cấp này, sau đó chúng ta sẽ có những đánh giá toàn diện hơn, cụ thể hơn để tiếp tục thực hiện. Riêng 259 phường vẫn giữ nguyên như mô hình theo quy định hiện hành và phải ưu tiên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa vì đây là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân cấp mà chính quyền nhân dân thể hiện quyền dân chủ, quyền đại diện rõ nét nhất và hết sức cần thiết để góp phần khắc phục những hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nêu quan điểm: Trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì việc kiện toàn, tổ chức đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chỉ bổ sung thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân Thành phố ở Điều 2 nhưng lại không có những quy định về cơ cấu tổ chức, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân. Đặc biệt là số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách của thành phố cho tương ứng với nhiệm vụ quyền hạn được giao vẫn giữ như Luật Tổ chức chính quyền địa phương là điều bất cập.

Tờ trình của Chính phủ cũng chưa có những lý giải trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố. Để đáp ứng khối lượng công việc được giao, phù hợp với điều kiện tổ chức mô hình chính quyền mới. Thực tế, với quy mô diện tích lớn, dân số đông như Thành phố Hồ Chí Minh thì vấn đề giám sát, kiểm soát của chính quyền cấp thành phố đối với chính quyền cấp cơ sở là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt chức năng cơ quan đại diện của nhân dân. Chẳng hạn, khi nhiệm vụ quyền hạn tăng lên thì số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đặc biệt là những đại biểu hoạt động chuyên trách có cần tăng không? Cơ chế hoạt động như thế nào để mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự đại diện cho một khu vực bầu cử nhất định nên đề nghị cần phải có quy định cụ thể hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 12/11/2020 của đợt 2 kỳ họp thứ 10. Theo đó, đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ họp tập trung tại hội trường Diên Hồng bắt đầu từ ngày 02/11/2020 như chương trình đã thông qua./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49555