Cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận tại tổ về Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, sáng 11/11.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 18 của của Bộ Chính trị, kết luận số 45 của Ban Bí thư về rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác đảm bảo ATGT.

“Thực tế trên thế giới nhiều nước cũng có Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn tình hình đảm bảo TTATGT thì cần có Luật để quy định chặt chẽ hơn công tác này, hạn chế tai nạn” – đại biểu Trần Văn Tiến nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Trong khi đó chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc tách Luật Bảo đảm TTATGT khỏi Luật Giao thông đường bộ giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội). Ảnh: Phương Thủy.

Tuy nhiên, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại bày tỏ băn khoăn: "Dù cố gắng phân định, nhưng rõ ràng ở 2 dự thảo luật còn rất nhiều nội dung trùng, chồng chéo, dù mỗi luật có phạm vi điều chỉnh khác nhau" - ĐB Tùng nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, ban soạn thảo đánh giá kỹ tác động, cân nhắc khi tách 2 Luật trên.

Theo đại biểu Đặng Thuần Phong, việc đánh giá tác động dự án Luật này còn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ các khía cạnh của chính sách, các phương án lựa chọn… Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý, bổ sung, làm rõ sự khác biệt, đổi mới của các phương án thay thế cho các quy định hiện hành dựa trên số liệu cụ thể, khoa học.

Về vấn đề chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, đại biểu cho rằng, đây là chính sách lớn, cần đánh giá tác động kỹ trong hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.

“Việc chuyển đổi này có xử lý được tình trạng giấy phép lái xe giả, chất lượng đào tạo chưa cao… hay không? Về biên chế tại các cơ sở đào tạo lái xe mô tô, ô tô có chuyển sang lực lượng Công an không hay tự giải tán?”, đại biểu đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, qua giám sát, cử tri băn khoăn việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nếu giao lại cho Bộ Công an có đảm bảo tính khả thi hay không?. Bởi Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện; vì thế giao việc này cho Bộ Giao thông Vận tải là phù hợp.

Giải trình thêm về nội dung này, trước một số ý kiến băn khoăn khi tách Luật Bảo đảm TTATGT có đảm bảo tiết kiệm ngân sách, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đã đánh giá tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật ATGT, thấy rất nhiều bất cập, nếu 2 luật tách sẽ tiết kiệm được rất nhiều.

“Tiết kiệm được tức là tránh lãng phí. Một là không nảy sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho Công an thì chúng tôi có lực lượng CSGT, phối hợp các lực lượng khác nữa khi cần, nhất là khi có tình huống hoặc tăng cường trong các dịp cao điểm. Như vậy, bộ máy không phát sinh, con người thực tế không nảy sinh và sẽ giảm” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng cũng khẳng định, khi quy định Bộ Công an chủ trì công tác bảo đảm TTATGT thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa.

“Bộ Giao thông vận tải có đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho chúng tôi chỉ tiêu này. Không nước nào trên thế giới này CSGT dừng xe lại xong thanh tra giao thông đi kiểm tra. Đây là việc hết sức chồng chéo, khó khăn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về cơ sở hạ tầng đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe không ảnh hưởng gì đến các cơ sở đào tạo, chủ yếu là việc sát hạch nghiêm túc, chặt chẽ hơn, đúng quy trình quy chuẩn, đảm bảo được chống làm giả, gian lận…/.

Vy Thảo

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/can-nghien-cuu-ky-luong-ve-chuyen-tham-quyen-quan-ly-dao-tao-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-567653.html