Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế phát triển các chương trình chính sách ưu tiên cho các nhóm phụ nữ đặc thù

Đây là đề xuất của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội' do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội).

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2 từ phải sang) tham gia phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo

Hội thảo nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng CSXH trong giai đoạn mới.

Chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên TƯ Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Nguyễn Thị Hồng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Nguyễn Hữu Dũng và Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng.

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; đại diện các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội; các đại biểu là Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Định; các nhà khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các Cơ sở đào tạo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: "Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội" là hoạt động có nhiều ý nghĩa góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới".

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng cho biết với phương châm "Trung ương và địa phương cùng làm", "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", hàng năm, NHCSXH đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường… bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Các chương trình tín dụng chính sách đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội thảo đã nhận được 61 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác tại các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung vào một số nội dung như: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; Vai trò của tín dụng CSXH trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện và đẩy lùi nạn "Tín dụng đen" ở Việt Nam...; Đề xuất giải pháp tập trung nguồn lực từ trung ương, đẩy mạnh ủy thác vốn từ ngân sách địa phương và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Tham luận của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, ngay sau khi Chỉ thị 40, Kết luận 06 được ban hành và định kỳ hàng năm, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội đưa nội dung phổ biến, quán triệt Chỉ thị 40, Kết luận 06 và các giải pháp, 5 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng chính sách gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017-2022), lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027) và các Nghị quyết Ban Chấp hành, định hướng trọng tâm hoạt động Hội hàng năm.

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp cũng được phổ biến, quán triệt các nội dung của Chỉ thị 40 và Kết luận 06 tới 100% cán bộ Hội các cấp nhằm nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm đối với từng cấp Hội trong đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo, sâu, rộng tới nhiều nhóm đối tượng; góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ Hội các cấp và hiểu biết, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân về tín dụng chính sách.

Trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam, Hội luôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo, sâu, rộng tới nhiều nhóm đối tượng; góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ Hội các cấp và hiểu biết, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân về tín dụng chính sách; lồng ghép nguồn lực, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ vay; đẩy mạnh giáo dục tài chính, nâng cao năng lực quản lý tài chính giúp hộ vay có kiến thức quản lý tài chính hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội làm công tác ủy thác; chú trọng công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các nội dung ủy thác theo Văn bản thỏa thuận giữa Ngân hàng CSXH và tổ chức Hội.

Toàn cảnh hội thảo

Qua thực tiễn triển khai hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề xuất một số kiến nghị để giúp hội viên, phụ nữ và các đối tượng chính sách giảm nghèo bền vững, nâng cao quyền năng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh mong muốn Đảng và Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện, phát huy mô hình quản trị và phương thức quản lý vốn tín dụng CSXH hiện nay, tạo thêm cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm; điều chỉnh, bổ sung chương trình tín dụng ưu đãi; nâng mức cho vay ở một số chương trình phù hợp với nhu cầu, bối cảnh và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề xuất các cơ quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế phát triển các chương trình chính sách ưu tiên cho các nhóm phụ nữ đặc thù (lao động nữ mất việc làm, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ thuộc 02 đề án của Chính phủ, Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và Đề án 01 "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"), vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Nguyễn Thị Hồng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, các bài tham luận tâm huyết, tinh thần khoa học và trách nhiệm cao của các đại biểu, nhà khoa học.

Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, đại biểu để làm căn cứ khoa học, tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để Ngân hàng CSXH phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn.

Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-nghien-cuu-xay-dung-co-che-phat-trien-cac-chuong-trinh-chinh-sach-uu-tien-cho-cac-nhom-phu-nu-dac-thu-20230816153616679.htm