Cân nhắc cân bằng quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững

Trong quá trình góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tư cách là một tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đã có những đề xuất mạnh mẽ về vấn đề tăng lương, tăng ngày nghỉ lễ - Tết, giảm giờ làm việc... Nhân dịp này, Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, chung quanh vấn đề về tăng lương, giảm giờ làm.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Chia sẻ cho người lao động thành quả của đất nước

PV: Xin hỏi bà, cơ sở nào để Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đưa ra việc giảm giờ làm chính thức cho người lao động từ 48 giờ hiện nay xuống còn 44 giờ?

Bà Phạm Thu Lan: Tăng lương và giảm giờ làm việc là xu thế chung trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất không tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm việc chính thức từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tăng thêm ba ngày nghỉ trong năm cho người lao động (NLĐ) là dựa trên chiến lược và mục tiêu phát triển của Việt Nam, đó là phát triển vì con người, coi con người là trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá tốt trong nhiều năm qua, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình, trong đó có đóng góp của NLĐ. Vì vậy, cần chia sẻ cho NLĐ thành quả của phát triển kinh tế nhiều năm qua. Điều này cần được thể hiện bằng hành động chứ không phải lời nói.

Tiêu chuẩn quốc tế về giờ làm việc 40 giờ/tuần được quy định trong Công ước số 47 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Hiện tại, ở Mỹ, T.Ư Công đoàn Mỹ đang yêu cầu giảm giờ làm việc từ năm ngày/tuần xuống tuần làm việc bốn ngày (tức là 32 giờ/tuần). Trên thế giới, trong số 155 nước được khảo sát, đã có tới hơn 2/3 các nước áp dụng giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần. Trung Quốc cũng áp dụng 40 giờ làm việc/tuần. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là 48 giờ/tuần, tức sáu ngày/tuần, áp dụng từ năm 1947, qua Sắc lệnh 29 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay là đã hơn 70 năm. Khi đất nước bị chiến tranh tàn phá, NLĐ phải làm việc để khắc phục hậu quả của chiến tranh và xây dựng đất nước thì đó là việc đương nhiên. Nhưng giờ đây, khi kinh tế đất nước đã phát triển thì việc giảm giờ làm cho NLĐ là rất cần thiết.

Mặt khác, NLĐ khu vực DN Việt Nam phải làm việc 48 giờ/tuần trong khi khu vực hành chính, sự nghiệp chỉ làm việc 40 giờ/tuần, như vậy là chưa bình đẳng. Hơn nữa, giờ làm việc là nguyên nhân thứ hai sau tiền lương dẫn tới xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc và đình công, ảnh hưởng tới quan hệ lao động và môi trường đầu tư của Việt Nam. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 44 giờ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong lộ trình hai bước để không tạo ra sự thay đổi đột ngột cho các DN. Bước tiếp theo trong lộ trình là giảm xuống 40 giờ/tuần (tức năm ngày/tuần) để mọi NLĐ đều được bình đẳng như nhau và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Vì sao Tổng LĐLĐ Việt Nam lại đưa ra đề xuất giảm giờ làm chính thức, tăng ngày nghỉ trong năm, không tăng giờ làm thêm vào thời điểm này?

Bà Phạm Thu Lan: Như chúng ta đều biết, Bộ luật Lao động từ năm 2012, Điều 104, đã quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ”. Bảy năm “khuyến khích” đủ thời gian để các doanh nghiệp tự điều chỉnh. Nay tuần làm việc 40 giờ nên thành “quy định bắt buộc” và theo tôi với lộ trình hai bước: bước 1: 44 giờ/tuần và bước 2: 40 giờ/tuần. Tôi cho rằng, các nhà làm chính sách cần phải thường xuyên rà soát pháp luật và chủ động đưa vào sửa đổi pháp luật để tăng lương và giảm giờ làm cho NLĐ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, chứ không cần đợi lâu như vậy, đến khi NLĐ kêu mới thảo luận sửa đổi.

PV: Thế còn đề xuất tăng ngày nghỉ trong năm thì sao thưa bà?

Bà Phạm Thu Lan: Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã từng đưa vào dự thảo việc tăng ngày nghỉ trong năm cho NLĐ vào ngày 27-7. Tuy nhiên, việc chọn ngày 27-7 đang còn tranh luận, chưa nhận được đồng thuận. Đáng ra nên nghiên cứu, khảo sát để lựa chọn ngày nghỉ khác thì Ban soạn thảo lại bỏ hẳn ra khỏi dự thảo, như vậy không nên. Đó cũng là lý do mà Tổng LĐLĐ tiếp tục đề xuất tăng ngày nghỉ nhưng chọn dịp hợp lý để quyền lợi của NLĐ được bảo đảm. Vì lao động ở nước ta hiện nay chủ yếu là lao động di cư, thêm ngày nghỉ để tăng thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình và tái tạo sức lao động…

Kết quả khảo sát nhanh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành mới đây đều nhận được hơn 85% ý kiến đồng thuận với việc tăng thêm ba ngày nghỉ trong năm cho NLĐ. Hơn nữa, số ngày nghỉ nước ta so với các nước trên thế giới thuộc loại thấp. Trong số 155 nước được khảo sát, có tới 110 nước có số ngày nghỉ cho NLĐ cao hơn Việt Nam. Điều này đáng lưu tâm khi kinh tế Việt Nam phát triển tốt và xuất khẩu của Việt Nam chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới, vươn lên từ vị trí 50 năm 2007 lên vị trí 27 về xuất khẩu.

Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào sức lao động của công nhân

PV: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không nên giảm giờ làm chính thức và cần tăng giờ làm thêm vì năng suất lao động của nước ta vẫn đang rất thấp. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Thu Lan: Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là trình độ công nghệ và quản lý. Điều này, các doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết. Về phía NLĐ đóng góp cho năng suất lao động là nhờ kỹ năng chuyên môn và tinh thần, động lực làm việc, mà cả hai yếu tố này lại phụ thuộc vào DN có đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho NLĐ, có tạo động lực để NLĐ làm việc không?

Tăng giờ làm việc, không có thời gian để NLĐ học tập nâng cao trình độ kỹ năng, cũng không tạo động lực cho NLĐ làm việc. Năng suất lao động dựa vào sức lao động của NLĐ ở Việt Nam đã chạm đến điểm cận biên. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, giờ làm việc đến một độ nhất định, nếu tiếp tục tăng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động.

Các nghiên cứu chỉ ra lý do năng suất lao động Việt Nam thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, theo tôi, nguyên nhân chính là đa số máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ của ta còn lạc hậu, quy mô nền kinh tế vẫn chủ yếu thâm dụng lao động, nông nghiệp và khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, trình độ quản lý và tay nghề NLĐ còn thấp. Ở điểm này, năng suất lao động của NLĐ lại phụ thuộc rất nhiều vào người quản lý của họ.

Có những chuyên gia đặt vấn đề: Tại sao người Việt Nam cùng kỹ năng và trình độ như nhau, cùng làm trong lĩnh vực và ngành nghề như nhau, nhưng nếu làm việc ở Việt Nam năng suất thấp hơn làm việc nước ngoài? Tôi đã sang Thụy Điển và được chứng kiến một công nhân Thụy Điển khai thác cả một cánh rừng chỉ trong một buổi sáng. Bấm một nút là cánh tay cần cẩu cắt gỗ, bấm thêm nút cánh tay tuốt cành và lá, thêm một nút nữa chuyển cây gỗ đưa lên xe vận chuyển. Trong khi ở nước ta, rất nhiều công nhân làm bằng tay nhiều giờ để cưa gỗ, khuân vác, vận chuyển và mất nhiều ngày mới xong. Hay so sánh năng suất ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô Việt Nam với ô-tô Đức, năng suất lao động ngành ô-tô Việt Nam thấp hơn Đức rất nhiều, Việt Nam sử dụng nhiều lao động trong khi Đức sử dụng công nghệ. Điều này chứng minh năng suất lao động phụ thuộc vào công nghệ, quản lý và chuyên môn hơn dựa vào sức của NLĐ.

PV: Hiện nay một số DN, đặc biệt là DN FDI đang tận dụng giá rẻ lao động của nước ta mà chậm đổi mới công nghệ. Theo bà, vì sao lại như vậy?

Bà Phạm Thu Lan: Doanh nghiệp FDI đầu tư vào đâu, họ thấy có lợi thế so sánh và Việt Nam hấp dẫn họ bằng lực lượng lao động giá rẻ, cần cù, chăm chỉ. Vấn đề là do chính sách của Việt Nam. Theo tôi biết, hiện nay các DN cũng rất quan tâm tới đổi mới công nghệ, rất nhiều DN có chiến lược về Nhà máy thông minh, nhưng nếu vẫn tận dụng được lợi thế của sức lao động có sẵn thì không DN nào lại chịu chi tiền để đầu tư công nghệ.

Theo tôi biết, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của Việt Nam là 10,68% giai đoạn 2011-2015, thấp so với mục tiêu đặt ra. Nếu chúng ta không có chính sách kích thích đổi mới công nghệ và thậm chí còn phải dùng chính sách để gây áp lực đổi mới công nghệ (thí dụ: chính sách giảm giờ làm việc) thì tốc độ đổi mới công nghệ của Việt Nam sẽ rất khó đạt mục tiêu 20% trong giai đoạn 2016-2020.

Giảm giờ làm - cơ hội thúc đẩy DN đầu tư cải tiến công nghệ, quy trình quản lý

PV: Vậy việc giảm giờ làm chính thức và thêm ngày nghỉ trong năm tác động tích cực nào tới NLĐ và tới DN, xã hội?

Bà Phạm Thu Lan: Đối với NLĐ, giảm giờ làm việc hiển nhiên có nhiều tác động tích cực. Hiện nay, NLĐ đang phải làm việc gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Theo các khảo sát của Viện Công nhân, công đoàn, nhiều NLĐ không dám về quê thăm con vì ngại về mặt tâm lý khi xin nghỉ thêm ngày mà DN luôn muốn NLĐ làm thêm giờ. Có nhiều công nhân chúng tôi khảo sát sau giờ làm việc, họ quá mệt để không còn nghĩ tới các hoạt động văn hóa, xã hội… Giảm giờ làm việc và thêm ngày nghỉ, NLĐ sẽ có thời gian cân bằng cuộc sống công việc và gia đình, nghỉ ngơi vui chơi để tái tạo sức lao động thể chất và tinh thần, có thời gian nghĩ tới học tập nâng cao trình độ và giữ việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn đối với DN, khi NLĐ làm ít giờ hơn, có thể có chút khó khăn ban đầu, nhưng NLĐ sẽ có tinh thần và sức khỏe làm việc tốt hơn, giúp cho sản phẩm làm ra chất lượng tốt hơn, không mắc lỗi, tăng năng suất lao động, góp phần giảm tranh chấp lao động và đình công. Giờ làm việc quá nhiều là nguyên nhân phổ biến thứ hai của đình công ở Việt Nam. DN sẽ giảm số ngày lãng phí phải dừng sản xuất do đình công và giảm các chi phí liên quan tới xử lý tranh chấp lao động và đình công về giờ làm việc.

PV: Với những lợi ích như vậy, theo bà tại sao phía các Hiệp hội doanh nghiệp lại phản ứng như vậy?

Bà Phạm Thu Lan: Như tôi đã nói, các DN muốn thu lợi ngay khi lợi thế so sánh đang có là sức lao động của NLĐ, mà không muốn mất tiền đầu tư cho cải tiến công nghệ và quy trình quản lý. Tuy nhiên, điều này là lợi trước mắt cho doanh nghiệp, nhưng là bất lợi cho nguồn lao động lâu dài khi mất sức lao động và về già bệnh tật sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế khi Việt Nam qua thời kỳ dân số vàng. Hệ lụy này đã nhìn thấy. Hiệp hội DN hiện nay đang chỉ tư duy về lợi nhuận và kinh tế mà quên mất mục tiêu đất nước và con người, nên mới phản ứng vậy. Chắc chắn, Nhà nước sẽ không chỉ vì mục đích thu thuế của DN mà chấp nhận vắt sức của NLĐ, bởi thuế thu đó không đủ để giải quyết bài toán xã hội về sức khỏe, bệnh tật tuổi già của NLĐ và những hệ lụy khác.

PV: Các DN, hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng, việc giảm giờ làm chính thức sẽ tăng chi phí cho DN, khiến năng lực cạnh tranh giảm sút. Bà có bình luận gì về ý kiến này?

Bà Phạm Thu Lan: Đến thời điểm này, các DN Việt Nam cần thay đổi tư duy về cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có quy định về lao động, nghĩa là bảo đảm và cải thiện tiêu chuẩn lao động, điều kiện lao động của NLĐ trở thành yếu tố cạnh tranh. Khách hàng quốc tế sẽ tẩy chay sản phẩm bóc lột sức lao động của NLĐ và mua hàng ở những DN có điều kiện lao động tốt và ngày một cải thiện hơn. Đây là yếu tố cạnh tranh.

Theo bà Valentina, chuyên gia về kinh tế lao động của ILO, để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì “Thách thức lớn nhất là lặp lại những gì đã làm”. Người sử dụng lao động dựa vào sức lao động là mô hình kinh doanh từ thời cách mạng công nghệ lần thứ nhất. Năng suất lao động dựa vào sức lao động của NLĐ ở Việt Nam gần như đã chạm đến điểm cận biên. Cạnh tranh bằng thâm dụng lao động, bằng ép công nhân làm việc nhiều đã đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng nếu lặp lại cạnh tranh bằng sức lao động và không đổi mới công nghệ, Việt Nam sẽ rất khó khăn trở thành nước thu nhập cao để thực hiện được mục tiêu quốc gia trở thành quốc gia công nghệ vào năm 2030. Không nên đẩy trách nhiệm năng suất lao động và cạnh tranh lên vai người lao động.

PV: Vậy nếu cứ giữ nguyên số giờ làm chính là 48 giờ mỗi tuần như hiện nay và còn tăng giờ làm thêm nữa, hậu quả có thể có sẽ là gì thưa bà?

Bà Phạm Thu Lan: Giờ làm việc hiện nay với đồng lương không tương xứng đang gây ra rất nhiều vấn đề cho NLĐ và gia đình họ, cả vấn đề xã hội như tranh chấp lao động và đình công. Nếu tìm kiếm trên mạng, có vô vàn bài báo nói về tình cảnh khó khăn của NLĐ, dường như tất cả đều có chung nguyên nhân sâu xa là do lương thấp và làm thêm giờ. Cuộc sống hiện tại không được bảo đảm nói gì tới tương lai. Phần đông NLĐ hiện nay không có tích lũy, không có điều kiện tài chính đủ để bảo đảm tương lai cho con cái họ. Đây có lẽ là lý do mà có chuyên gia đã cảnh báo Việt Nam là “dân chưa giàu đã già”.

Nhân đây, tôi muốn nêu một vấn đề chúng ta cùng suy nghĩ và thảo luận. Tiêu chuẩn chung 100 năm nay là tuần làm việc không quá 48 giờ và ngày làm việc không quá 8 giờ/ngày. Nhiều nước ở châu Âu cho phép làm thêm giờ trong ngày, trong tuần nhưng tổng giờ làm việc trung bình trong năm vẫn không quá 48 giờ/tuần và 8 giờ/ngày. Thí dụ: Síp, Đan Mạch, Ireland cho phép làm thêm nhưng tổng thời gian làm việc chia trung bình trong bốn tháng liền nhau không quá 48 giờ/tuần. Đức cho phép ngày làm việc có thể kéo dài, không vì lý do cụ thể nào đến 10 giờ/ngày, nhưng với điều kiện số giờ làm việc trung bình trong sáu tháng không vượt quá 8 giờ/ngày. Như vậy, họ quan niệm làm thêm cũng không vượt quá khung 48 giờ/tuần hay 8 giờ/ngày.

Còn nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam quan niệm 48/tuần và 8 giờ/ngày là giờ làm việc chính thức, ngoài ra còn quy định thêm giờ làm thêm vượt quá khung này, dẫn tới tổng giờ làm việc của người lao động cao hơn rất nhiều. Đó là chưa nói tới việc làm thêm là trường hợp đột xuất, ngoại lệ, trong khi ở Việt Nam làm thêm giờ thành đều đặn, thường xuyên, hằng ngày, hằng tuần và như vậy, giờ làm thêm chẳng khác gì giờ làm việc chính thức cả. Vấn đề là quan niệm. Đến giờ, đất nước đã phát triển, chúng ta cần thay đổi quan niệm về giờ làm việc.

PV: Đó là tác động đối với người lao động, còn tác động tới doanh nghiệp và nền kinh tế thì sao?

Bà Phạm Thu Lan: Trước mắt, doanh nghiệp có lợi, nhưng về lâu dài thì nguy hại cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế vì NLĐ không có thời gian nghỉ ngơi đủ, sức khỏe giảm sút; cũng không có thời gian trau dồi nâng cao kiến thức, tay nghề... Thực tế hiện nay, có hiện tượng, một số doanh nghiệp tìm cách thôi không sử dụng NLĐ khi qua tuổi 35 đến tuổi 40, vì họ không còn sức khỏe nữa, thị lực giảm, đau lưng, đau cột sống do vắt sức lao động trong suốt thời tuổi trẻ, năng suất giảm, và họ rất khó để tìm việc khác vì suốt quá trình làm việc không có thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề. Với nguồn lực lao động như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cũng sẽ trở nên rất khó khăn.

PV: Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần vì NLĐ.

ĐẶNG THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41824602-can-nhac-can-bang-quyen-loi-giua-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung.html