Cân nhắc quyền lựa chọn của cơ quan tố tụng trong trưng cầu giám định

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Giám đinh tư pháp (sửa đổi) là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Chiều 19-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long trình bày, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình của Chính phủ

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu và “phân tuyến” thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản đối với hoạt động giám định tư pháp; việc áp dụng quy định của Luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp nhằm “tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế”. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật trước hết phải trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày báo cáo thẩm tra Luật Giám định tư pháp (sửa đổi)

Bà Lê Thị Nga cũng chỉ ra một số điểm chưa khớp giữa quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ với nội dung tổng kết, đánh giá được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật và đề nghị hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp do tổ chức thực hiện luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết. Đối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Giám định tư pháp, tuy nhiên, các lý do sửa đổi, bổ sung chưa xác định rõ vướng mắc trong hiện hành gây khó khăn cho giám định tư pháp, đặc biệt là giám định án kinh tế - bất cập nào thuộc về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và bất cập nào về giám định tư pháp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cần thiết phải xem xét để sửa đổi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; hơn nữa từ năm 2013 đến nay đã có một số luật có liên quan đến Luật này đã sửa đổi, đòi hỏi công tác giám định tư pháp phải có khả năng đáp ứng với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên giữa yêu cầu, vướng mắc cần sửa đổi với nội dung sửa đổi trong Tờ trình còn chưa khớp nhau. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần xác định phạm vi sửa đổi cho đúng và đảm bảo tính khả thi.

Toàn cảnh phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cùng quan điểm với Ủy ban Tư pháp, nhấn mạnh hoạt động giám định tư pháp là hoạt động độc lập, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động tố tụng. Đối với yêu cầu đặt ra thì cơ quan yêu cầu giám định có quyền trưng cầu những cơ quan đáp ứng được yêu cầu để thực hiện giám định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, nếu "phân tuyến" như dự thảo sẽ không đảm bảo được hoạt động độc lập, khách quan.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra một số vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế của công tác giám định tư pháp như năng lực trình độ và đạo đức của cán bộ, chuyên viên hoạt động trong giám định tư pháp và cho rằng quy trình giám định trẻ bị xâm hại hiện nay còn rất bất cập, đề nghị Cơ quan soạn thảo quan tâm, nghiên cứu để sửa đổi những vướng mắc trong vấn đề này.

Liên quan đến phân tuyến thực hiện giám định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mục đích của quy định này nhằm giảm quá tải giám định lên cơ quan trung ương, chúng ta có thể phân ra giám định tư pháp ở cấp tỉnh, cấp khu vực và cơ quan trung ương. Nếu bổ sung quy định này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên cân nhắc xem quy định này có phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự và quyền lựa chọn của cơ quan tố tụng trong trưng cầu giám định tư pháp để bảo đảm kết quả giám định tư pháp.

Thu Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-nhac-quyen-lua-chon-cua-co-quan-to-tung-trong-trung-cau-giam-dinh-562385/