Cân nhắc tăng số giờ làm thêm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng giờ làm thêm.

Trong điều kiện hiện nay, việc tăng giờ làm thêm phải gắn với phòng tránh tai nạn lao động và phòng chống dịch bệnh

Theo đó, từ 40 giờ làm thêm trong một tháng được đề xuất tăng lên 72 giờ và mức trần làm thêm trong năm từ 200 lên 300 giờ cho tất cả các ngành nghề. Trước chủ trương này, nhiều lao động mong muốn tăng giờ làm thêm nhưng cần cân nhắc cho phù hợp.

Vừa mừng, vừa lo

Sau Tết Nguyên đán, do công ty ký kết được đơn hàng lớn nên chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân của một doanh nghiệp sản xuất hàng điện, điện tử ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) liên tục tăng ca. Chị cho biết nếu được tăng giờ làm thêm thì người lao động (NLĐ) có thêm thu nhập. Năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp có lúc phải cho công nhân nghỉ làm luân phiên. Có thời điểm chị phải cách ly ở nhà vì là F1. Chị Thanh cho biết nguyện vọng lớn nhất của nhiều công nhân, lao động là được tăng lương còn tăng ca quá nhiều cũng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị đề nghị Nhà nước nên cân nhắc tăng giờ làm thêm phù hợp, chỉ nên khoảng 60 giờ/tháng để bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Theo anh Phạm Văn Tuấn, công nhân Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Vinawood ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), việc tăng giờ làm thêm là cần thiết trong giai đoạn này, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu đơn hàng, phục hồi sản xuất. “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ nên đề xuất tăng giờ làm thêm trong năm 2022, vì nếu kéo dài hơn có thể nhiều doanh nghiệp sẽ lợi dụng điều này yêu cầu công nhân, lao động tăng ca nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe, không bảo đảm an toàn lao động. Tăng ca nhiều chúng tôi sẽ không có thời gian dành cho gia đình, làm việc cũng không hiệu quả vì thời gian nghỉ ngơi ít. Chúng tôi mong doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại và tích cực đào tạo để có thể nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động”, anh Tuấn bày tỏ.

Dưới góc độ của một chủ doanh nghiệp, anh Vũ Xuân Hải, Giám đốc Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang) cho rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị tăng giờ làm thêm cho NLĐ sẽ có lợi cho doanh nghiệp thời điểm này. Doanh nghiệp muốn tăng tốc sản xuất thì phải cho NLĐ tăng ca nhiều để kịp giao hàng. Trong lúc số người mắc Covid-19 ngày càng nhiều như hiện nay, nếu không cho lực lượng còn lại làm việc tại nhà máy tăng ca thì khó có thể kịp giao hàng cho đối tác và việc nới trần tăng số giờ làm việc trong năm lên 300 giờ cũng rất cần thiết để doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của đối tác.

Người đao động mong muốn chỉ tăng giờ làm thêm trong thời gian phù hợp

Không phải là xu hướng
Trong thời gian chờ đợi được tư vấn tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), anh Nguyễn Văn Bộ ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) tranh thủ tìm hiểu thêm các chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Anh Bộ là kĩ sư cơ khí, sau khi làm việc tại Nhật Bản hơn 5 năm, anh về nước tìm việc. Anh Bộ cho biết NLĐ nào cũng muốn có thu nhập cao nhưng không phải bằng cách tăng ca nhiều. Công ty ở Nhật Bản, nơi anh làm trước kia rất ít khi phải tăng ca. Họ quan tâm đầu tư máy móc hiện đại để NLĐ đỡ vất vả mà năng suất lao động lại tăng lên. Công nhân muốn tăng thu nhập phải làm việc hiệu quả chứ không phải ngày đêm tăng ca. Chính phủ bên họ cũng đang đề xuất tiếp tục giảm giờ làm cho NLĐ. “Theo tôi, chính sách tăng giờ làm thêm mà cơ quan chức năng đang đề xuất không phải là xu hướng. Đó có thể chỉ là giải pháp tạm thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch”, anh Bộ chia sẻ.

Không phủ nhận việc tăng số giờ làm thêm nếu được phê duyệt sẽ mang đến một số yếu tố tích cực cho doanh nghiệp, giúp họ có thể bù đắp sản lượng sụt giảm do biến động lực lượng lao động từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp sẽ thoát khỏi khó khăn vì thiếu lao động. Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Dương, chính sách này chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn hạn chứ không thể kéo dài và phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận với NLĐ. Khi tăng thêm giờ làm, chủ các doanh nghiệp phải quan tâm, tạo điều kiện cho lao động được nghỉ ngơi, xây dựng môi trường lao động an toàn, thoải mái để tái tạo sức lao động.

LA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/can-nhac-tang-so-gio-lam-them-197520