Cần 'nhạc trưởng' cho du lịch Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhưng hiện nay việc khai thác tiềm năng đó chưa thật sự hiệu quả. Mỗi địa phương chủ yếu phát triển du lịch dựa trên nội lực của mình là chính, thiếu tính liên kết toàn vùng. Do vậy, việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch ở ĐNB đang cần có một 'nhạc trưởng'.

Tiềm năng phong phú

Nhận định về những lợi thế trong phát triển du lịch của vùng ĐNB với các nơi khác, tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “ĐNB nằm liền kề đồng bằng sông Cửu Long - cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua tuyến đường bộ xuyên Á, cửa ngõ phía đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây còn có hệ thống cảng đường không, các cửa khẩu quốc tế, đường bộ, đường sắt đồng bộ tiên tiến, là yếu tố quan trọng thu hút khách quốc tế vào Việt Nam, thuận lợi cho khách du lịch đi và đến tham quan các điểm du lịch trong cả nước, cũng như trên thế giới”.

Nhà thờ Đức Bà - một trong những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: T.L

Nhà thờ Đức Bà - một trong những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn - TP.HCM. Ảnh: T.L

Vùng ĐNB có tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và còn hoang sơ, đặc biệt là tài nguyên rừng dày, rừng ngập mặn, khu bảo tồn, vườn quốc gia, hệ thống sông ngòi, hồ có giá trị, với tính đa dạng sinh học cao...

Với TP.HCM được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông”, với Tây Ninh có núi Bà Đen - khu du lịch với hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam, hay hồ Dầu Tiếng - một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á; Bình Dương có núi Châu Thới, vườn cây ăn trái Lái Thiêu…; thác Mơ, núi Bà Rá, trảng cỏ Bàu Lạch thuộc tỉnh Bình Phước; núi Dinh, Côn Đảo, bãi Sau, bãi Dứa, suối khoáng nóng Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Vườn quốc gia Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai - nơi lưu trữ một trong 5 khu đất ngập nước Ramsar của Việt Nam.

Một trong những bãi tắm thu hút khách của Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: T.L

ĐNB còn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng đặc biệt cấp quốc gia; khu vực có tiềm năng di tích khảo cổ, công trình kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội, thơ ca, đờn ca tài tử... nhiều về số lượng, đa dạng về tính chất, phong phú về hình thức.

Với tiềm năng và lợi thế đó, thời gian gần đây ngành du lịch vùng ĐNB đã có bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ lao động nhiều về số lượng, có trình độ kỹ năng tay nghề cao; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao nhất cả nước, đặc biệt là số lượng cơ sở lưu trú được xếp hạng sao, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhiều cơ sở vui chơi giải trí hiện đại.

Cần một “nhạc trưởng”

Theo TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Viện sẽ đề xuất với Tổng cục Du lịch giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng và xác định vai trò “nhạc trưởng” cho du lịch vùng ĐNB. Viện cũng sẽ lựa chọn các bộ sản phẩm du lịch để in tài liệu nhằm tăng cường quảng bá vùng ĐNB trong các chương trình quảng bá quốc tế của Tổng cục Du lịch.

Nếu ví TP.HCM như một đầu tàu trong phát triển du lịch thì thời gian qua, các tỉnh còn lại của khu vực lại như những toa tàu khá ỳ ạch.

Tại hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐNB” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức gần đây, các ý kiến đều khẳng định, du lịch vùng ĐNB chưa có sự kết nối giữa các sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Hầu hết ý kiến đều đề xuất, cần phải có “nhạc trưởng” kết nối các tỉnh thành về sản phẩm, quảng bá, tiếp thị.

Theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sinh thái-Văn hóa-Lịch sử chiến khu D (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), TP.HCM phù hợp với vai trò “nhạc trưởng” gắn kết, điều phối du lịch vùng nhất. Tuy nhiên, để gắn kết được các tỉnh, thành và chọn “nhạc trưởng” điều phối vùng, trước hết các Hiệp hội Du lịch của các tỉnh, thành cũng phải chủ động phát huy vai trò kết nối trước.

Ông Ngô Bá Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bình Châu cho rằng, theo Quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ (TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang), mỗi tỉnh đều có một sản phẩm du lịch chủ đạo xuất phát từ đặc thù vị trí địa lý, địa hình.

Nếu khai thác theo chuỗi để thu hút khách quốc tế, các sản phẩm của các tỉnh, thành sẽ bổ sung cho nhau mà không cạnh tranh nhau.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/can-nhac-truong-cho-du-lich-dong-nam-bo-955218.html