Cần nhân rộng mô hình cách ly 3 lớp, Hà Nội không phong tỏa cực đoan

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương nhân rộng mô hình chống dịch 3 lớp hiệu quả đã được Đông Anh áp dụng. 'TP Hà Nội không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội'.

Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống COVID-19 Hà Nội.

Kiểm soát tốt 5 trong 8 chùm ca bệnh

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Từ ngày 29/4/2021 đến nay ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện với 28 điểm tạm thời phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch.

Về việc khoanh vùng dập dịch với 8 chùm ca bệnh hiện nay, bà Hà cho biết, với sự thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dịch kịp thời, đến nay đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ các chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh Ấn Độ, chuyến bay VN 160.

Với 3 điểm nóng hiện nay, bà Hà cho biết, liên quan tới chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh: Số F0 của Hà Nội: 11 người. Số F1: 217 người.; chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: Số F0 của Hà Nội: 02 người. Số F1: 71 người.

Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bắc Ninh (các ca bệnh tại Bắc Ninh có liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2): Số F0 của Hà Nội: 14 người. Số F1: 122 người.

Phong tỏa BV K Tân Triều

Phong tỏa BV K Tân Triều

Phong tỏa BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

“Ổ dịch của 2 bệnh viện và đặc biệt là từ ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận, vì vậy cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này”, bà Hà nhận định.

Để chủ động ứng phó, TP Hà Nội xác định xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, quyết định việc xác định sớm ca bệnh để chủ động bao vây, khoanh vùng, xử lý, cắt đứt nguồn lây nhiễm, không để lan rộng, ngành y tế đã tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm: tăng cường năng lực lấy mẫu, các đơn vị nâng công suất xét nghiệm.

Hiện công suất xét nghiệm tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng nguy cơ và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tầm soát phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá nguy cơ để chủ động phòng, chống dịch.

Chuẩn bị sẵn kịch bản cho mọi tình huống

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội nhận định, các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong Thành phố vẫn rất cao bởi 4 nhóm nguy cơ chính, gồm: Chùm ca bệnh tại Gia Lâm và các ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch tại Thuận Thành - Bắc Ninh; mầm bệnh từ các ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều...; số mắc mới liên tục gia tăng tại 8 địa phương có địa bàn giáp ranh và lượng người quay trở lại TP làm việc và học tập rất lớn.

Trước mắt, Hà Nội vẫn đang triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên TP vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trên địa bàn.

Do số ca mắc gia tăng nên công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng tiếp xúc và đối tượng liên quan rất lớn, yêu cầu cấp bách về thời gian nên các lực lượng phải triển khai công việc khẩn trương bất kể ngày đêm và nhiệm vụ này đã diễn ra trong thời gian dài.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phong tỏa, cách ly tại BV K Tân Triều

Trong khi đó mức chi cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch thấp: chi cho người đi giám sát, điều tra, lấy mẫu, xác minh dịch 300.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ cộng tác viên, tình nguyện viên 130.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, công tác hậu cần đáp ứng chống dịch gặp nhiều khó khăn về thủ tục, quy trình mua sắm…

BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội kiến nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo sớm phương án phòng chống dịch chuẩn bị trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Có phương án, kịch bản chỉ đạo các đơn vị trong tình hình dịch bệnh bùng phát, lan rộng; Xem xét tăng chế độ phụ cấp/bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, nhất là lực lượng ở cơ sở.

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch BCĐ kiến nghị TP Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù trong điều kiện phục vụ công tác phòng, chống đại dịch…

Hiệu quả của mô hình phong tỏa, cách ly 3 lớp

Báo cáo thêm về một số nội dung quan trọng, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, các chỉ đạo không chỉ trên văn bản mà còn nhiều sáng tạo hiệu quả như: “Ở Đông Anh đã có mô hình khoanh vùng 3 lớp: vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ngoài là Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng là Chỉ thị 19 nên đã kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng”

Theo chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội.

Chủ tịch Hà Nội cho biết, sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người ra sao.

“UBND TP Hà Nội sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: Hà Nội không phong tỏa cực đoan, không "ngăn sông cấm chợ"

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ rất sớm, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành từ TP đến cơ sở; nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như đội ngũ y bác sỹ, công an, quân đội, phóng viên, các Tổ COVID-19 tại cộng đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch, giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19) từ đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn đời sống người dân và yêu cầu nhân rộng cách làm hiệu quả này.

“TP Hà Nội không giãn cách phong tỏa một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Có lúc có tin đồn phong tỏa thành phố, làm gì có việc đó, chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp TP đang làm là đúng và hiệu quả. Không bỏ lọt các F1, F2, F3”, Bí thư Thành ủy nói rõ.

Một khu chợ trên địa bàn Hà Nội

Bên cạnh đó, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội Thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô…

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-nhan-rong-mo-hinh-cach-ly-3-lop-ha-noi-khong-phong-toa-cuc-doan-ngan-song-cam-cho-n192117.html