Cần nhất quán trong xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự

Thừa phát lại được thành lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (THADS). Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự nhất quán trong thực hiện chủ trương này.

Một nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia nghiên cứu pháp luật Viện Khoa học pháp lý tiến hành cho thấy, mặc dù có các thẩm quyền quan trọng trong lĩnh vực THADS nhưng pháp luật hiện hành chưa tạo cho thừa phát lại ở Việt Nam vị thế tương xứng để thực thi vai trò này. Nghiên cứu nêu trên đã chỉ ra năm yếu tố hạn chế hiệu quả của hoạt động thừa phát lại ở Việt Nam so với các nước có mô hình thừa phát lại. Đó là, không có dịch vụ độc quyền cho thừa phát lại; thừa phát lại phải tồn tại trong sự cạnh tranh với chức danh, cơ quan nhà nước thực hiện cùng loại việc; thừa phát lại hình thành trong điều kiện chuyển đổi nhưng thiếu sự phân định rõ ràng, hợp lý phạm vi thẩm quyền thi hành án giữa cơ quan thi hành án nhà nước và thừa phát lại; lĩnh vực thừa phát lại chưa có luật điều chỉnh và chưa có hiệp hội nghề nghiệp để đại diện bảo vệ quyền lợi cũng như giám sát việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với thừa phát lại. Thừa phát lại ở Việt Nam cũng cung cấp các dịch vụ bổ trợ tư pháp có tính phổ biến như các nước nhưng phần lớn không độc quyền. Đây là điểm khác biệt, vì ở nhiều nước có thừa phát lại hành nghề tự do, độc lập thì hai việc là tống đạt văn bản tư pháp và THADS thuộc loại việc truyền thống và độc quyền chỉ do thừa phát lại thực hiện. Chính hai công việc này là nguồn sống, là lý do tồn tại đặc trưng của thừa phát lại so với các nghề nghiệp khác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Trong khi đó, ở nước ta, hai hoạt động nêu trên lại đang là các việc được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa thừa phát lại với cá nhân, tổ chức, cơ quan có yêu cầu. Chẳng hạn tống đạt, theo quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động của thừa phát lại, việc tống đạt văn bản tư pháp được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa thừa phát lại với tòa án, cơ quan thi hành án trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có trụ sở văn phòng thừa phát lại; các loại giấy tờ, văn bản được giao cho thừa phát lại tống đạt cũng chỉ trong phạm vi hạn chế. Thực tiễn cho thấy, mặc dù trong thời gian thí điểm, đã có văn bản chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) về việc chuyển giao giấy tờ, văn bản cho thừa phát lại tống đạt, có văn bản thỏa thuận về phân định địa hạt tống đạt cho các văn phòng thừa phát lại và có kinh phí riêng cho việc thanh toán chi phí tống đạt đã được phân bổ đến các tòa án, cơ quan THADS cấp tỉnh và huyện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan tòa án, thi hành án không ký thỏa thuận chuyển giao, hoặc chỉ chuyển giao với số lượng rất ít các văn bản, giấy tờ cho các văn phòng thừa phát lại tống đạt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tính ổn định về công việc, thu nhập và nhân lực của các văn phòng thừa phát lại; mặt khác, những tác động tích cực được mong đợi từ việc thừa phát lại tống đạt giấy tờ tố tụng sẽ hỗ trợ, giảm tải công việc cho các cơ quan tòa án, thi hành án rất khó đạt được thực chất.

Các hoạt động của thừa phát lại còn mang tính cạnh tranh cao, không cân sức giữa thừa phát lại với các chức danh, cơ quan nhà nước thực hiện cùng loại việc, mà vị thế yếu hơn lại thuộc về thừa phát lại, thể hiện rõ nhất là hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án. Mặc dù đây là hai loại việc được giao cho thừa phát lại nhằm thực hiện mục tiêu chính mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp năm 2020, đã đặt ra là xã hội hóa một số hoạt động thi hành án, nhưng trên thực tế lại chỉ chiếm tỷ trọng thấp về số lượng và doanh thu so với các dịch vụ còn lại và điều đáng quan ngại là tỷ trọng này có xu hướng giảm từ sau khi kết thúc thí điểm.

Đối với xác minh điều kiện thi hành án, theo Luật THADS năm 2008, đương sự có trách nhiệm tự xác minh điều kiện thi hành án, do đó, các cá nhân, tổ chức được thi hành án đã quan tâm và lựa chọn sử dụng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án do thừa phát lại cung cấp (trong giai đoạn thí điểm từ 2009 đến 2014). Tuy nhiên, Điều 44 của Luật năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS quy định việc xác minh điều kiện thi hành án thuộc trách nhiệm của chấp hành viên cơ quan THADS. Mặc dù luật không hạn chế quyền của người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác (chẳng hạn ủy quyền cho thừa phát lại) xác minh điều kiện thi hành án và cung cấp thông tin đó cho cơ quan thi hành án, tuy nhiên, trong thực tế, thừa phát lại gặp khó khăn, vướng mắc hơn nhiều so với chấp hành viên nhà nước khi tiếp cận các nguồn thông tin để xác minh điều kiện thi hành án do thiếu sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân nắm giữ các thông tin liên quan (tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký phương tiện giao thông, vận tải…).

Một trong những cản trở pháp lý lớn dẫn đến thực trạng số lượng bản án, quyết định do thừa phát lại thụ lý và tổ chức thi hành cho đến nay còn rất ít, chính là vì địa vị pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn của thừa phát lại trong thi hành án bị hạn chế, không bình đẳng với chấp hành viên. Hơn nữa, tổ chức và hoạt động thừa phát lại ở nước ta chưa được điều chỉnh bằng luật. Cho đến nay, mặc dù hết thời gian thí điểm đã lâu, nhưng văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất quy định trực tiếp về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại mới chỉ là nghị định. Điều này tạo ra “độ vênh” và những khoảng trống pháp lý gây cản trở việc thực hiện hiệu quả chế định thừa phát lại. Bởi vì, các hoạt động có tính tố tụng, bổ trợ tư pháp của thừa phát lại đều phải tuân thủ quy định của các luật liên quan (các luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính, Thi hành án dân sự…). Quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc các hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân phải được quy định bằng luật trong những trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi phải luật hóa hoạt động của thừa phát lại để bảo đảm việc thực thi các thẩm quyền của thừa phát lại trong quá trình cung cấp các dịch vụ không vi phạm nguyên tắc hiến định này.

Tính đến tháng 6-2019, có 31 trong số 63 địa phương được phê duyệt đề án thực hiện chế định thừa phát lại, với 81 văn phòng thừa phát lại và có 530 thừa phát lại đang hành nghề.

TS TRẦN THỊ QUANG HỒNG và ThS ĐINH CÔNG TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/41069002-can-nhat-quan-trong-xa-hoi-hoa-mot-so-hoat-dong-thi-hanh-an-dan-su.html