Cần những biện pháp mạnh!

Đó là yêu cầu khách quan đặt ra đối với việc xử lý những hành vi vi phạm trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ trong vòng tám tháng của năm 2017, các địa phương trong cả nước đã sử dụng hết 82% tổng số quỹ KCB theo dự toán từ đầu năm. Bên cạnh những tác động từ việc tăng giá đối với nhiều dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ tại nhiều cơ sở y tế; sự gia tăng lượt KCB…, thì tình trạng lạm dụng, trục lợi của một số cơ sở y tế và một bộ phận người có thẻ BHYT được xem là những nguyên nhân quan trọng khiến quỹ BHYT đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng.

Mặc dù thời gian qua tình trạng này đã được đề cập đến nhiều trong sự bức xúc của cơ quan quản lý cũng như của dư luận xã hội, nhưng mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm vẫn không ngừng tăng lên. Không chỉ lãng phí từ phía các cơ sở y tế khi thực hiện các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và các dịch vụ kỹ thuật rộng rãi, không cần thiết cho chẩn đoán cũng như điều trị bệnh; chỉ định điều trị nội trú rộng rãi hay "ưu tiên" sử dụng các loại thuốc nhập ngoại có giá cao…, mà những hiện tượng tiêu cực hơn đã xảy ra ở một số cơ sở như: Tất cả bệnh nhân khám tai - mũi - họng được chỉ định nội soi tai - mũi - họng; "tách" một dịch vụ kỹ thuật thành nhiều dịch vụ kỹ thuật để tính tiền thanh toán; kéo thời gian nằm viện của mỗi bệnh nhân phẫu thuật thay thủy tinh thể lên tới cả tuần (trong khi bệnh nhân dịch vụ có thể được xuất viện ngay trong ngày); rút ngắn thời gian khám, thực hiện dịch vụ kỹ thuật để tăng lượt khám, lượt thực hiện dịch vụ trong ngày... Ðây là những hành vi lạm dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của quỹ BHYT.

Không riêng các cơ sở KCB, tình trạng lạm dụng còn đến từ phía người thụ hưởng chính sách. Dù không phải quá phổ biến, nhưng những con số như hơn 1,2 triệu người sử dụng thẻ BHYT đi KCB từ hai lần trở lên mỗi tháng (thống kê của cơ quan BHXH từ tháng 7-2016 đến 2-2017), trong đó có những người đã sử dụng thẻ BHYT đến 308 lần (trung bình 38,5 lần khám mỗi tháng)… đã và đang khiến dư luận xã hội thật sự bức xúc.

Mặc dù những hiện tượng nêu trên đã được cơ quan BHXH phát hiện, kiểm tra và xử lý kịp thời, nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và vẫn xuất hiện với tần suất đáng lo ngại. Riêng trong tám tháng đầu năm nay Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tự động từ chối thanh toán hơn 647 tỷ đồng; cơ quan BHXH đã tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với một số cơ sở vi phạm; nhiều trường hợp bệnh nhân lạm dụng đã bị buộc phải nộp lại số tiền đã trục lợi và tạm dừng cấp thẻ. Tuy nhiên, nếu xét theo mức độ và sự phổ biến của các hành vi vi phạm, có thể thấy, những biện pháp, chế tài xử lý trong lĩnh vực này hiện vẫn còn hạn chế.

Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường lực lượng, ứng dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, kiểm soát từ phía cơ quan quản lý quỹ BHYT; kiên quyết không thanh toán những chi phí bất hợp lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan chức năng cũng như người dân chung tay quản lý, bảo vệ quỹ BHYT…, đã đến lúc cần phải có những chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT. Ngành BHXH cần tăng cường phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác thông tin, điều tra, xử lý một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng, để làm gương, qua đó bảo đảm pháp luật BHYT được tuân thủ nghiêm túc.

NAM THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34117302-can-nhung-bien-phap-manh.html