Cần những 'trụ cánh' để kinh tế Việt Nam 2020 vươn cao, bay xa

Dẫn lời Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn 'Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh', Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, cần chỉ ra những trụ cánh để vươn cao, bay xa.

Sáng nay (30/12), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc, khi chỉ còn chưa đầy 2 ngày trước khi kết thúc năm “bứt phá” 2019.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và có bài phát biểu chỉ đạo là sự khích lệ to lớn để đạt được những kết quả thắng lợi của đất nước trong thời kỳ tới.

Năm 2019: Tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực

Báo cáo về tình hình năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành quả có được thể hiện ý chí và quyết tâm mới. "Những lo ngại về quy mô kinh tế khó có thể tăng trưởng nhanh nhưng thực tế đã đạt được mức tăng trưởng 7,02%, cho thấy "quy mô càng lớn tăng trưởng càng khó khăn nhưng không phải là không đạt được", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Theo đó, năm 2019 không chỉ đạt tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới mà còn giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động thì cán cân ngân sách thặng dư, nợ công giảm và quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỉ USD, thặng dư gần 10 tỉ USD với bốn năm liên tiếp….

Thủ tướng khẳng định, năm 2019 không chỉ đạt tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới mà còn giữ được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ nét đó là năng suất lao động với đóng góp của yếu với các nhân tố tổng hợp tăng, tốc độ tăng năng suất lao động trên 6,2%, cao hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ số phát triển bền vững tăng 3 bậc.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thông điệp không đánh đổi môi trường để tăng trưởng, nhiều địa phương cũng đã lồng ghép trụ cột tăng trưởng với phát triển toàn diện, bền vững.

Cùng với sự phát triển của các thành phố đầu tàu giữ vai trò động lực, nhiều địa phương khác cũng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, thay đổi bộ mặt nông thôn và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện mạo đô thị hiện đại, tính cạnh tranh nâng lên.

"Năm 2019 là năm đáng nhớ khi là năm thứ hai liên tiếp đạt 12 chỉ tiêu, hầu hết các lĩnh vực đều được tăng cường, đáp ứng tốt nguyện vọng và niềm tin của nhân dân. Thành quả được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu với dự báo triển vọng của Việt Nam trong năm 2020, góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời gửi lời cảm ơn tới từng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ công chức, viên chức đã nỗ lực cố gắng trong năm qua.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc, chỉ còn chưa đầy 2 ngày trước khi kết thúc năm “bứt phá” 2019.

Về nhiệm vụ trong năm 2020, Người đứng đầu Chính phủ nhận định, phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người, đến năm 2025 là 5 triệu người là thách thức lớn cho Chính phủ và địa phương, Thủ tướng cho rằng đóng góp lớn cho tăng trưởng hằng năm sẽ là khu vực lao động tăng thêm này. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần trao cơ hội việc làm tăng thêm, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng của đất nước.

Với quan điểm nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 2 thập niên tới để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao. Do đó, yêu cầu đặt ra là "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế" như Tổng bí thư đã nêu.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị những thảo luận cần tập trung đi thẳng vào vấn đề của từng địa phương, từng ngành, các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, nhân rộng các mô hình hay để tạo được sự chuyển biến rõ nét trong năm 2020.

Là Hội nghị được tổ chức 2 lần mỗi năm, Hội nghị kỳ cuối năm này bên cạnh soi chiếu lại hành trình của 1 năm “bứt phá”, điều quan trọng hơn, sẽ tập trung thảo luận các hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, hay những vấn đề liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp cũng như tiếp tục tìm các giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018, vốn đã đạt mức tăng trưởng khá cao, trên 7% và đặc biệt, tình hình thế giới rất phức tạp, xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ ký ban hành Nghị quyết 02 ngay sau Hội nghị.

9 nhóm vấn đề trọng tâm

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.

Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).

Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”...

Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…

Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?

Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?

Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở cho thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào?

Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào?

Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.

Đặc biệt, từ các ý kiến tại Hội nghị Chính phủ với địa phương năm 2019, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện, ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân sớm bắt tay vào việc để năm 2020 "về đích" với thành tích cao nhất, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020.

Theo các số liệu mới nhất, 2019 có thể coi là năm “bứt phá”. Tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/can-nhung-tru-canh-de-kinh-te-viet-nam-2020-vuon-cao-bay-xa-164291.html