Cần nỗ lực chung

Giữa lúc đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, theo tờ The Guardian, trong mỗi cuộc họp, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đều yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định 'giãn cách xã hội' (social distancing).

Việc nhà lãnh đạo Italy thực hiện quy định giữ khoảng cách giữa người này với người kia được coi là hành động làm gương cho người dân nước này noi theo trong bối cảnh giới chức quốc gia hình chiếc ủng kêu gọi toàn thể nhân dân tuyệt đối tuân thủ các quy định và hạn chế mà chính quyền đưa ra. Toàn bộ đất nước Italy-tâm điểm của đại dịch Covid-19 ở châu Âu hiện đang được đặt dưới lệnh phong tỏa. Chỉ những người có giấy xác nhận cần phải rời khỏi nhà mới được di chuyển và phải giữ khoảng cách ít nhất một mét với nhau. Theo AP, khi đi mua sắm, người dân Italy đứng cách nhau 1-2m, thậm chí xa hơn nữa. “Tôi thấy mọi người đều chấp hành quy định về “giãn cách xã hội”. Có lẽ, họ đều hiểu rằng, nếu không tuân thủ quy định, chỉ cần có một người nhiễm bệnh thì sẽ có rất nhiều người cũng bị nhiễm theo”, ông Piero Emilio Vincenzi, chủ cửa hàng thiết bị nội thất ở thủ đô Rome của Italy cho biết.

Mọi người xếp hàng giữ khoảng cách trước một hiệu thuốc ở Rome, Italia. Ảnh: AP.

Khi thế giới chưa tìm ra được thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa Covid-19, “giãn cách xã hội" hiện được xem là một trong những yếu tố quyết định nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo CNN, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị mọi người giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội để ngăn chặn Covid-19. CDC mô tả “giãn cách xã hội" là không tham dự các cuộc họp, tránh tụ tập đông người và duy trì khoảng cách với người khác. Mục tiêu của “giãn cách xã hội” là hạn chế nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, chủ yếu lây lan qua các giọt bắn ra khi một cá nhân bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.

Không chỉ tại Italy, nhiều quốc gia ở châu Âu, như Đức, Anh... và các nước trên thế giới đang triển khai một số biện pháp nhằm “giãn cách xã hội” để giảm khả năng lây lan của Covid-19. Từ việc ngăn tụ tập đám đông, đóng cửa trung tâm giải trí, nhà hàng, trường học... cho đến yêu cầu người dân phải ở trong nhà, giữ khoảng cách với nhau ở nơi công cộng. Tại Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đang kêu gọi toàn dân hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà; giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác, tốt nhất là 2m. Theo The Straits Times, trong cuộc họp báo gần đây tại Jakarta, ông Achmad Yurianto, người phát ngôn Chính phủ Indonesia về Covid-19 nhận định, biện pháp “giãn cách xã hội” giúp Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu này. Ông Achmad Yurianto nhấn mạnh: “Việt Nam chú trọng tới việc yêu cầu mọi người giữ khoảng cách với nhau. Việt Nam cũng thành công nhờ vào việc nghiêm túc thực hiện công tác cách ly”. Ngoài ra, ông Achmad Yurianto cũng cho biết, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu những biện pháp của Việt Nam trong việc ngăn chặn và ứng phó với Covid-19.

Giới chuyên gia tin rằng “giãn cách xã hội” là một bước quan trọng đối với tất cả mọi người trong phòng, chống Covid-19. Trao đổi với Time, Tiến sĩ Susy Hota, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học tại Bệnh viện Đại học Toronto (Canada ) cho biết, việc mọi người chọn hoặc được cho phép làm việc tại nhà cũng được tính là “giãn cách xã hội”. Các tổ chức, cơ quan hủy bỏ các cuộc họp và sự kiện lớn cũng vậy. Tất cả các biện pháp này đều hướng tới mục tiêu là không để mọi người ở quá gần nhau. Theo Tiến sĩ Susy Hota, điều khó khăn nhất là khiến mọi người nhận ra được tác dụng của biện pháp này trong phòng, chống dịch bệnh. Bà Denise Rousseau, giáo sư về hành vi tổ chức và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho rằng “giãn cách xã hội” là một lựa chọn tốt khi nhiều người không thể lúc nào cũng ở nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Người dân cần phải tiếp tục duy trì cuộc sống bằng cách tạo khoảng cách giữa người với người để giảm khả năng lây nhiễm virus.

Trong cuộc chiến không phải của riêng ai này, điều quan trọng là cùng nỗ lực, đoàn kết một lòng. Bởi vậy, đừng chần chừ mà hãy thay đổi thói quen cũng như nếp sống sinh hoạt để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước đại dịch Covid-19. Dù gây ra bất tiện khi phải hạn chế những cuộc gặp gỡ với bạn bè, người thân nhưng “giãn cách xã hội” là giải pháp cần thiết khi Covid-19 nhanh chóng bao phủ toàn cầu. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, những ứng dụng chat, nhắn tin, gọi video sẽ giúp mọi người duy trì liên lạc với nhau.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/can-no-luc-chung-613647