Cần nỗ lực không ngừng

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Song hiện nay, chỉ số MTKD của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn ASEAN 4 như mục tiêu đề ra, điều này đòi hỏi những nỗ lực cải cách rất lớn từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban MTKD và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phóng viên (PV):Bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong 5 năm qua?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Từ năm 2014, việc Chính phủ ban hành thường niên Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19) là minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Lĩnh vực dệt may thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư.

Sau 5 năm thực thi Nghị quyết 19, MTKD tại Việt Nam đã tạo sự khác biệt hẳn so với trước, được DN đánh giá có nhiều cải thiện. Nếu như năm 2014 chỉ có 3 đơn vị, địa phương tiên phong tham gia thực hiện Nghị quyết 19 (Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và TP Hồ Chí Minh) thì tới nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương và cả khu vực tư nhân đã tham gia vào "làn sóng" cải thiện MTKD trên toàn quốc. Báo cáo MTKD (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, 5 năm qua, hầu hết thứ bậc và các chỉ số thành phần của MTKD Việt Nam đều cải thiện. Cụ thể, năm 2014, chúng ta xếp hạng 78; năm 2015 là 90; năm 2016 là 82; năm 2017 là 68 và năm 2018 là 69. Doing Business đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế có nhiều cải cách nhất.

PV: Mặc dù có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng theo báo cáo MTKD toàn cầu do WB vừa công bố thì Việt Nam lại giảm một bậc, tại sao vậy, thưa bà?

Bà Nguyễn Minh Thảo.

Bà Nguyễn Minh Thảo: Đúng vậy, so với năm trước, năm 2018, MTKD Việt Nam xếp vị trí 69/190 quốc gia, giảm một bậc trên bảng xếp hạng MTKD của WB. Phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đã có những cải cách nhưng tốc độ còn chậm hơn so với các quốc gia khác. Hầu hết các chỉ số thành phần mà Việt Nam đặt mục tiêu cải cách chưa đạt trung bình ASEAN 4. Đơn cử như đối với chỉ số khởi sự kinh doanh-chỉ số được đánh giá là có sự cải thiện liên tiếp đáng kể nhất của Việt Nam trong thời gian qua, thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước. Hiện nay, chỉ số này của Việt Nam vẫn nằm ở vị trí 104 (vươn lên 19 bậc so với năm 2017). Có nghĩa, chúng ta đang ở vị trí rất thấp trong Doing Business. Sự kết hợp các bước thủ tục liên quan tới thuế, bảo hiểm xã hội còn rất chậm, khiến chỉ số này tuy có cải thiện nhưng chưa tiến được nhanh. Hay như cải cách về điều kiện kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết chưa được cắt giảm.

PV: Theo bà, đâu là lĩnh vực có nỗ lực cải thiện hạn chế nhất, làm ảnh hưởng tới kết quả chung của Việt Nam trên Doing Business?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Điểm trừ lớn nhất của MTKD Việt Nam trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 là chỉ số giải quyết phá sản DN không có sự cải thiện, thậm chí đi xuống. Đây là chỉ số được đánh giá thấp nhất trong số 10 chỉ số được đánh giá tại Doing Business. Hiện chỉ số giải quyết phá sản DN của Việt Nam xếp hạng 133/190 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm trước. 5 năm qua, Chính phủ cũng nhận thấy chỉ số giải quyết phá sản DN là chỉ số rất kém, cần được nỗ lực thay đổi. Nhưng chỉ số này không chỉ liên quan đến hoạt động của Chính phủ mà còn liên quan đến các hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những cải cách trong hoạt động tòa án, cũng như chưa có cơ chế cho DN khi lâm vào tình trạng phá sản có thể phục hồi hoặc nếu không phục hồi được thì có thủ tục phá sản nhanh hơn. Để cải cách chỉ số này, Chính phủ cần phối hợp với ngành tòa án để thực hiện cải cách thủ tục tốt hơn.

PV: Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, điều này đặt ra cho Việt Nam những thách thức gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Rõ ràng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã làm rất nhiều, nỗ lực rất nhiều và đã có kết quả nhưng thực tế cho thấy nỗ lực này là chưa đủ. Kết quả cải thiện ở từng bộ, ngành cũng khác nhau. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc rộng rãi, mạnh mẽ, đồng đều hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các nước khác trên thế giới cũng đang nỗ lực thay đổi rất nhanh để tạo ra MTKD tốt hơn, thu hút đầu tư, vì thế, Việt Nam muốn vượt lên thì đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ và không có điểm dừng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-no-luc-khong-ngung-555285