Cần phải tìm giải pháp hiện tượng ly thân kéo dài chẳng khác nào cực hình

'Ông ăn chả, bà ăn nem' nhưng vẫn giữ vỏ bọc gia đình hạnh phúc vì danh hão và vì con cái, đó là bi kịch của nhiều gia đình thành thị. Không ít cặp đôi cho rằng về đạo đức họ đã ly thân có quyền tìm hạnh phúc mới.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý họ đang vi phạm chế độ một vợ chồng của luật Hôn nhân và Gia đình.

Sự ngụy biện của lý do… ly thân

Dường như xã hội càng hiện đại, con người càng giàu có, càng “trí thức” thì cảnh ly thân càng phổ biến. Ai cũng tìm được lý do “hợp tình hợp lý” để ngụy biện cho cái sự ly thân. Gia đình anh Ngọc Anh ở Hàng Phèn, Hà Nội là một ví dụ. Anh và Hằng yêu nhau từ thời còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người có một công việc ổn định, họ về với nhau như bao đôi khác, hạnh phúc có, buồn phiền có, và rồi sinh hạ một em bé rất bụ bẫm và đáng yêu. Cuộc sống trở nên ngột ngạt từ đấy.

Hằng cảm thấy anh không hề hiểu và thương vợ con. Mỗi đêm tỉnh dậy vì tiếng khóc của con, chị rất buồn nhìn cảnh chồng ngáy o o bên cạnh không hay biết gì. Nếu tỉnh dậy, anh cũng chỉ buông một câu: “Em làm ơn vứt “nó” đi, khóc cả ngày cả đêm không thể nào chịu được!”. Nhẫn nhịn quá nhiều, Hằng ôm con sang phòng khác. Từ hôm đó, gia đình ít hẳn những tiếng cười, chỉ còn lại tiếng khóc của em bé.

Anh Quyết và vợ thì không thể nói chuyện với nhau, họ khắc khẩu đủ đường. Anh là bác sĩ khá có tiếng ở viện BM, còn chị là hiệu trưởng một trường cấp 2. Chỉ vì sĩ diện với đồng nghiệp, gia đình, họ hàng mà trước mặt mọi người, con cái, anh chị vẫn cười cười nói nói. Khi chỉ còn hai người thì họ lạnh lùng, xúc xiểm lẫn nhau. Lúc các con còn nhỏ anh chị còn dễ “qua mặt”. Giờ, đôi nếp tẻ đã lớn cả, vợ chồng anh đành cố giấu giếm, trốn tránh những bữa ăn gia đình bằng những cuộc họp đột xuất, những ca trực đêm xuyên tuần.

Hiếm có cặp vợ chồng nào sau thời gian ly thân bình tâm rút ra những cảm thông cho người bạn đời và soi lại chính mình. Đa số họ đẩy mối quan hệ đã xa cách lại càng xa hơn. Ly thân, khoảng thời gian tự do tạm thời này có thể khiến họ có cuộc phiêu lưu tình ái mới. Và người thiệt thòi không ai khác là chính con cái và bản thân họ.

Không thể chịu cảnh bị chồng cấm đoán, xét nét, thậm chí theo dõi vì nghi ngờ mình có tình nhân, Nhung đòi ly thân với Khoa. Cô nói chuyện rất mềm mỏng với chồng, mong muốn trong thời gian này, hai người cùng nhau xem xét lại bản thân và thông cảm cho nhau nhiều hơn. Nhưng không hiểu sao, tình cảm và tình yêu giữa họ chẳng còn bao nhiêu. Họ bận rộn với công việc, bạn bè. Nhung cảm thấy đây mới chính là cuộc sống mà mình lựa chọn, chồng không kiểm soát, hôm nào cô cũng có hẹn với những người bạn phổ thông cùng đi ăn uống, tán gẫu.

Còn Khoa, anh nhận thấy cô không cần mình nên xử sự theo cách “không ăn được thì đạp đổ”. Anh cũng đi suốt ngày, hàng đêm về sặc sụa mùi bia rượu và mùi nước hoa lạ của người đàn bà khác. Sau nhiều lần nói chuyện không thành, Nhung đòi ly hôn nhưng anh nhất quyết không chịu “đã thế thì kìm nhau không ly hôn, cho biết tay”.

Vợ chồng ly thân không chỉ mang lại những khó khăn gượng gạo cho họ trong cuộc sống, mà con cái cũng chẳng vui vẻ gì. Bằng cách nào đó chúng sẽ nhận ra cách cư xử lạ lùng của cha mẹ dù họ có cố tình giấu giếm.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Phương thuộc TT tư vấn Người bạn tâm giao cho biết, hàng ngày chị tiếp xúc với rất nhiều tình huống phức tạp, ly thân là một trong những vấn đề mà rất nhiều gia đình gặp phải.

Không có gia đình nào hạnh phúc tuyệt đối và cũng không có gia đình nào bế tắc hoàn toàn. Cái chính là các thành viên cần thông cảm, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, các cặp vợ chồng không nên vì những lý do vụn vặt mà quyết định ly thân. Ly thân chỉ là biện pháp tạm thời, cho nhau một khoảng thời gian ngắn để ngẫm nghĩ lại bản thân. Các bậc phụ huynh nên nghĩ cho con cái họ, trẻ em chính là người suy sụp nhiều nhất.

Trao đổi với PV, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM, phân tích: "Về mặt vật chất thì họ có thể thỏa thuận với nhau. Còn về mặt tinh thần - chẳng hạn như người này phát hiện người kia ngoại tình - dẫn đến ly thân nhưng họ vẫn phải sống "giả", đóng kịch hạnh phúc trước mặt con cái thì lâu dài, tâm lý của cả hai vợ chồng rất dễ bị ức chế. Nếu xảy ra mâu thuẫn hay xung đột, những ức chế này có thể sẽ bùng phát mà lắm khi, trở thành bi kịch".

Ly thân không phải là bước đệm của… ly hôn

Ở góc độ luật pháp, chế định ly thân đã năm lần bảy lượt “trượt” khỏi Luật Hôn nhân – Gia đình, vì nhiều người cho rằng, nó rườm rà không cần thiết và là chất xúc tác đẩy nhanh đến việc ly hôn. Nhưng thực tế đã chứng minh, ly thân luôn tồn tại trong cuộc sống. Và vì thế, nó cần được sự điều chỉnh của luật, thay vì thả lỏng cho phát triển tự nhiên.

Luật HN-GĐ đang được sửa đổi bổ sung đã đưa ly thân vào dự thảo luật với nhiều lý do chính đáng. Thế nhưng, điều mà các chuyên gia pháp lý cần nhất là cần phải có một cách hiểu đúng về ly thân để cân nhắc ủng hộ hay bỏ qua nó. Điều 8 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000 nêu rõ: Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.

Về vấn đề này, Hội LHPN Việt Nam lo ngại của về chế định ly thân sẽ bị lợi dụng. Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội, thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng nhưng chưa hoặc không ly hôn không phải vì muốn hàn gắn mà nguyên nhân sâu xa từ phía người chồng muốn dùng biện pháp “khoảng trống” để hành hạ vợ, không cho vợ cơ hội tái hôn.

Hơn nữa, tuổi thanh xuân của phụ nữ ngắn hơn nam giới, nên nếu không nghiên cứu, phân tích thật kỹ lưỡng hệ lụy và những vấn đề liên quan đến từng thành viên trong gia đình khi quy định ly thân thì có thể vô hình chung pháp luật cổ súy và ủng hộ hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ mang tính tiềm ẩn.

Nhiều quan điểm cho rằng nếu hôn nhân đã thực sự trầm trọng đến mức không thể duy trì thì ly thân không có lợi bằng giải pháp ly hôn. Bởi ly thân sẽ tác động sâu sắc đến tâm lý phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, pháp luật một số nước quy định ly thân với ý nghĩa giai đoạn tiền ly hôn thì hai vợ chồng phải ở riêng, quay lại ở chung có quyết định của tòa án. Nhưng ở điều kiện Việt Nam, đa phần phụ nữ không có điều kiện về nơi ở nên nếu ly thân vẫn phải sống chung, khi đó nhiều hệ lụy sẽ nảy sinh.

Theo tiến sĩ xã hội học Hoàng Bá Thịnh, hiện nay ly thân đang khá phổ biến, thậm chí còn nhiều hơn các ca ly hôn. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở những cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi. Nhóm tuổi này thường có cuộc sống thu nhập ổn định, thành đạt, họ không muốn ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, uy tín, hay con cái. Khác với ở các nước phương Tây, người Việt Nam thường ly thân nhưng vẫn sống chung nhà, mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ. Trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra quan tâm yêu thương nhau.

Mặc dù thừa nhận ý nghĩa của ly thân, nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm không nên kéo dài quá thời gian này. Nếu hai người chọn giải pháp ly thân để dành một khoảng lặng nhìn lại mọi việc, nhìn lại những khiếm khuyết của bạn đời và bỏ qua để tái hợp thì đó là điều cần thiết. Nhưng nếu quá dài thì sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, buông xuông, chấp nhận cuộc sống chung nhà mà không chung lòng, không cần đến ly dị nữa.

Do đó, chỉ nên sống ly thân trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu trong thời gian đó mà vẫn chưa thể dứt khoát thì có thêm thời gian nữa cũng không giải quyết được vấn đề và chỉ làm cho mọi chuyên thêm căng thẳng. "Việc ly thân mà kéo quá dài sẽ nguy hiểm như căn bệnh mãn tính không thể chữa khỏi", tiến sĩ Thịnh ví von.

Chị Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên, cho biết, mỗi ngày trung tâm nhận được khoảng 300 cuộc tư vấn qua số điện thoại 1900585808. Trong đó, phần lớn là các vấn đề khúc mắc gia đình, nhiều ca xin tư vấn vì cuộc sống vợ chồng quá nặng nề nhưng không muốn ly hôn. Có những khách hàng cho biết, vợ chồng họ bất hòa nhưng ông chồng là 1 quan chức nhất định không chịu ly hôn vì danh tiếng. Ông này sẵn sàng chấp nhận vợ cặp với người khác nhưng trước mặt quan khách, họ hàng thì hai người vẫn phải vui vẻ, quan tâm nhau như 1 cặp tràn trề hạnh phúc.

Hoàng Văn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/can-phai-tim-giai-phap-hien-tuong-ly-than-keo-dai-chang-khac-nao-cuc-hinh-53710.htm