Cần phối hợp liên ngành

Kết quả sơ kết việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) tại ngành Tư pháp cho thấy, để đạt được mục tiêu cuối năm 2022: 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thì ngành tư pháp còn nhiều việc phải làm.

Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến

Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến

Trong 6 tháng năm 2022, Bộ Tư pháp đã nâng cấp thêm 16 dịch vụ công từ mức độ 2 lên mức độ 3, 4. Nâng tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 của Bộ lên 51 dịch vụ công; kết nối thêm 19 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 39 dịch vụ công.

Rà soát trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì thấy, các thủ tục hành chính, dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tư pháp như đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn... đã được các tỉnh, thành phố thực hiện. Tính đến ngày 6.6.2022, đã có 51/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Hiện, Bộ này đã hoàn thành cung cấp 3 dịch vụ công liên quan đến cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tích hợp với Cổng dịch vụ Công quốc gia, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn các địa phương triển khai trong tháng 5.2022. Tại địa phương, đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm tiến độ được giao theo Đề án 06. Việc tái cấu trúc quy trình liên thông các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử cũng đang được các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai.

Với mục tiêu tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp trên Cổng dịch vụ công quốc gia vào năm 2022, Bộ này đã xác định: ngoài các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình của Đề án 06, các đơn vị liên quan ưu tiên triển khai Dự án đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp; Phối hợp với Bộ Công an trong việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về định danh và xác thực điện tử… Đồng thời, xây dựng quy trình hướng dẫn địa phương rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư; đôn đốc các địa phương cung cấp hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ địa phương trong việc kết nối Hệ thống một cửa với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Đây là một phần việc rất quan trọng, bởi phản ánh từ các địa phương cho thấy, việc phối hợp giữa các sở, ngành chưa thật sự thông suốt. Đơn cử, hiện nay có hơn 80 thủ tục hành chính yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ, tuy vậy việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan (ngành công an, địa phương nơi cư trú...) chưa thật sự mặn mà. Chính vì thế, muốn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cần tăng cường cơ chế phối hợp, thông tin giữa cơ quan cấp Phiếu và các cơ quan có liên quan, xây dựng cơ chế liên thông giữa thủ tục cấp Phiếu.

Khang Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/can-phoi-hop-lien-nganh-i291823/