Cần quan tâm đến công nghệ chế biến, bảo quản trong sản xuất nông nghiệp

Sáng 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt.

Trước ý kiến đề nghị cần xem xét quy định quy định dừng ngay việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng phân bón khi có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Quy định này nhằm xử lý các trường hợp phân bón đã được cấp Quyết định lưu hành (tức là đã qua khảo nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật) nhưng sau một thời gian, do khoa học công nghệ phát triển, có bằng chứng chứng minh phân bón này có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu sức khỏe con người và môi trường.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Trồng trọt sáng 9-11. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ: Tham khảo pháp luật của châu Âu và một số nước, trước khi đưa ra quyết định về việc dừng hoặc cấm sử dụng một loại hàng hóa có nguy cơ cao gây hại đến sức khỏe con người, môi trường thì cơ quan quản lý phải điều tra, đánh giá, phân tích nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường trên diện rộng để vừa bảo đảm quyền lợi của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như của cộng đồng. Công ước Rotterdam, Công ước Stockhom, Công ước Basel... cũng quy định việc bổ sung một hóa chất vào Danh mục cấm sử dụng theo các phụ lục của công ước trên đều phải có quá trình xin ý kiến của các bên liên quan và có lộ trình áp dụng.

Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, trao đổi thương mại hàng hóa với nhiều nước trên thế giới nên việc tuân thủ quy định và pháp luật quốc tế là cần thiết. Do vậy, trong dự thảo Luật quy định việc thời gian tối đa là 6 tháng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón và tối đa 12 tháng đối với tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng phân bón kể từ ngày Quyết định công nhận lưu hành phân bón bị hủy bỏ có hiệu lực là phù hợp với năng lực quản lý nhà nước về phân bón và tương thích với luật pháp quốc tế.

Sau đó, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật và cho rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Quan tâm đến tình trạng được mùa, mất giá, đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng việc này có nguyên nhân từ khâu chế biến, bảo quản sản phẩm chưa tốt. Theo đại biểu, để thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, cần phải quan tâm đến công nghệ chế biến, bảo quản, bởi không có công nghệ bảo quản, chế biến sẽ không thể phát triển ngành trồng trọt được.

“Việt Nam muốn vươn lên sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ra thị trường thế giới thì không thể viết chương 5 về thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt đơn giản như trong dự thảo Luật. Đề nghị ban soạn thảo cần thể chế hóa được yêu cầu gắn kết thành hệ thống quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp”, đại biểu Trần Văn Huynh kiến nghị.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) thì băn khoăn về chính sách nông nghiệp trồng trọt ở Việt Nam. Đại biểu đồng tình với hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ như trong dự thảo Luật, cho rằng nếu thực hiện tốt sẽ thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển có hiệu quả, bền vững, khắc phục được nhiều khó khăn cho nông dân. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về tính khả thi của các chính sách do nguồn lực, ngân sách không bảo đảm, điều kiện thụ hưởng lại còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất,...khiến người nông dân khó được thụ hưởng các chính sách hoặc thụ hưởng không nhiều.

Về xác định cơ cấu cây trồng, dự thảo luật chỉ căn cứ vào 3 yếu tố: Tính chất của đất, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ phát triển khoa học công nghệ, theo đại biểu tỉnh Bình Thuận, quy định như vậy là chưa đầy đủ mà còn phải căn cứ thêm vào các yếu tố quan trọng khác; đó là, điều kiện nguồn nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.

An toàn thực phẩm cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh cho rằng, đây là nỗi lo, là bức xúc của xã hội: Người dân sử dụng lương thực, thực phẩm hằng ngày nhưng không biết đâu là sạch, đâu là mất an toàn. Nhấn mạnh đây cũng là điều kiện tiên quyết để ngành trồng trọt phát triển bền vững, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đề cập vấn đề an toàn thực phẩm còn khá sơ sài. Do đó, đại biểu đề nghị cần xây dựng một điều riêng về an toàn thực phẩm trong dự thảo Luật, quy định rõ những điều được làm, những điều cấm và trách nhiệm của các bên liên quan để tạo ra hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, tạo chuyển biến về chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đồng tình quan điểm trên, trước thực trạng kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tràn lan như hiện nay, đại biểu A Pớt (Kon Tum) cho rằng, vấn đề này đang khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc về vấn đề kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thực vật, đồng thời bổ sung thêm nội dung phòng chống dịch bệnh trong vấn đề canh tác.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-quan-tam-den-cong-nghe-che-bien-bao-quan-trong-san-xuat-nong-nghiep-554030