Cần quan tâm hơn đến dịch vụ vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô

Thời gian qua, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón.

Sáng 24/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Qua phiên thảo luận, nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề xe đưa/đón học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

Cho ý kiến tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa/đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Bởi trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau, tuy vậy, đại biểu cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. “Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh” - ông Bình góp ý.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. Ảnh: QH

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho hay, có nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả hai luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh.

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý. Do đó, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn. “Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như vậy có thể dồn vào quy định tại một luật” - ông Dũng nói.

Quốc Anh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/can-quan-tam-hon-den-dich-vu-van-tai-dua-don-hoc-sinh-bang-xe-o-to-d3429.html