CẦN QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP CHẾ TÀI NGHIÊM KHẮC HƠN ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Nhằm cung cấp thêm thông tin cũng như góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 tới đây, tại hội thảo về 'Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức' do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức vào sáng 5/10, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có kết cấu 51 Điều và 06 Chương. So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điểu khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản. Các quy định trong Dự thảo Luật tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 07 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ, bao gồm các vấn đề sửa đổi, bổ sung về: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;…

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

Liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, để làm rõ hơn nội dung về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) điều chỉnh, bổ sung một số quy định, bao gồm: Bổ sung khái niệm về thông tin của người tiêu dùng, khái niệm người có ảnh hưởng; Bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, trong đó, có quy định về hoạt động ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện việc thu nhập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các nội dung cần có trong chính sách bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế để người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn các trường thông tin mà người tiêu dùng đồng ý cung cấp, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin của người tiêu dùng trong một số hoạt động như: chia sẻ cho bên thứ ba, sử dụng để thực hiện hoạt động tiếp thị, về trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24h khi xảy ra sự cố đối với hệ thống thông tin làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Cho ý kiến về quy định, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, việc thu thập thông tin của người tiêu dùng trong giao dịch mua bán hàng hóa khiến không ít người tiêu dùng lo ngại về khả năng các thông tin của người tiêu dùng, nhất là thông tin cá nhân bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng theo những mục đích không có lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc điều chỉnh pháp luật đối với hành vi thu thập, xử lý thông tin của người tiêu dùng, nhất là thu thập và xử lý thông tin cá nhân của người tiêu dùng là rất cần thiết.

Để tiếp tục hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, TS.Nguyễn Văn Cương đề nghị, cần xác định và quy định rõ mối quan hệ và thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định về nghĩa vụ/trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi các quy định này tồn tại trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Theo TS.Nguyễn Văn Cương việc chỉ vận dụng quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để xử lý trong trường hợp này chưa thực sự thỏa đáng. Các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nên coi là các quy định mang tính chuyên ngành, được ưu tiên áp dụng so với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân nói chung.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Cương cũng đề nghị tiếp tục quy định phạm vi áp dụng các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong Luật Bảo vẹ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo hương các quy định này được áp dụng cho cả hàn vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong không gian thực và không gian mạng.

Đồng thời, nên quy định biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng nhằm sớm thiết lập trật tự, kỷ luật, kỷ cương trên thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tạo tiền đề phát triển bền vững thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ở nước ta trong thời gian tới với nhiều cơ hội phát triển mang tính bùng nổ của thương mại điện tử và kinh tế số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, các quy định về biện pháp chế tài dân sự và hình sự cũng cần được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện.

PGS.TS Trần Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Dân sự, Đại học Luật Hà Nội

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, quy định về xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP còn có sự khác biệt nhất định về mô tả các loại hành vi bị xử phạt và mức phạt cho mỗi loại hành vi. Ngoài ra, nếu so sánh kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, mức phạt đối với các hành vi vi phạm theo pháp luật Việt Nam còn khá nhẹ.

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng còn tản mạn trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, trong Dự luật lần này cần xác định rõ mối quan hệ cũng như thứ tự ưu tiên áp dụng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị: Dự thảo cần thống nhất trong cách giải thích thuật ngữ “thông tin cá nhân”. Cách giải thích cần nhất quán với cách giải thích về thông tin cá nhân trong Luật An toàn thông tin mạng. Đồng thời, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng nên sử dụng cụm từ chỉ hành vi tác động của tổ chức, cá nhân kinh doanh vào “thông tin cá nhân” thống nhất với cách sử dụng cụm từ này trong Luật An toàn thông tin cá nhân năm 2015 tức là nên sử dụng cụm từ “xử lý thông tin cá nhân” để chỉ các hành vi “thu thập, biên tập, sử dụng, lưu trữ, cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân của người tiêu dùng”. Đây là cụm từ được sử dụng khá phổ biến trong pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cũng như các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên thế giới./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69137