Cần quy định chặt chẽ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận và cho ý kiến về quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và tỷ lệ quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông đô thị.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Các đại biểu cơ bản thống nhất cao với nội dung của dự thảo Luật, cho rằng việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô... "Đây là một nguồn lực rất lớn của xã hội mà chúng ta cần chú ý khi xây dựng dự án Luật này", đại biểu Tạ Thị Yên nêu.

Theo quy định loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong dự thảo Luật, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Điều đó có nghĩa, mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. “Tuy nhiên, điều này lại vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi là xe trực tuyến”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định đối với loại hình vận tải chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến. Mô hình vận tải cho phép các hành khách đi cùng lộ trình nhưng có điểm đón và trả khách khác nhau đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ trả cước phí rẻ hơn, lái xe lại gia tăng thu nhập do tăng lượng khách trong một chuyến xe. Mô hình này không chỉ giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường mà còn giảm áp lực với cơ sở hạ tầng cũng như lượng khí thải, giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

“Đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nhưng “bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định”. “Việc này đã tác động tiêu cực đến thực thi pháp luật, tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu và đề nghị "quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng".

Bày tỏ thống nhất với quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách”, tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, thực tế, việc thực thi quy định này chưa thực sự nghiêm minh. Một số đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé vẫn tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, đặc biệt nơi bến xe cách xa trung tâm, khiến tình trạng giao thông lộn xộn và nguy cơ mất an toàn. “Như vậy, ngoài việc quy định một cách rõ ràng tại khoản này, vấn đề tổ chức thực thi pháp luật phải được đề cao và có chế tài xử phạt vi phạm nghiêm minh để đảm bảo an toàn, trật tự và đem lại hiệu quả trong thực tiễn”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Cho rằng “quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của dự thảo Luật là chưa đầy đủ”, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động này. Đại biểu đề xuất, kinh doanh vận tải là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc có nhu cầu đi lại, có thu tiền cước vận tải; đồng thời, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giao Chính phủ quy định cụ thể điều này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Đề nghị hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nói, quy định cứng về tỷ lệ quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông đô thị (bao gồm cả đô thị hiện hữu và đô thị hình thành mới) mà không kèm chế tài “sẽ không khả thi” trong điều kiện đất đô thị ngày càng có giá, chi phí để phát triển đường đô thị ngày càng đắt đỏ. Cùng với những khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông như hiện nay, các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới, mở rộng đường trong nội thành, nội thị.

“Cần chú trọng hơn đến các giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn. Khi đó, diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao như hiện nay và có thể sử dụng cho mục đích khác cần thiết và hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, không nên quy định chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị mà chỉ cần phù hợp với tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị của khu vực tương ứng để bảo đảm ổn định lâu dài của luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định: Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư...

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị bổ sung nội dung về khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng một dự án.

Lấy ví dụ một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất), đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, cần khuyến khích lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án.

"Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực. Quy định cụ thể của cả hai nội dung sẽ giao Chính phủ", đại biểu Thịnh đề xuất.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-quy-dinh-chat-che-kinh-doanh-van-tai-hanh-khach-theo-hop-dong-20240521120951832.htm