Cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong phát triển rừng

Online - Sáng 19-6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với 83,10% số phiếu tán thành đối với ông Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Tiền Giang; Nguyễn Văn Tiến, sinh năm1966, thẩm phán cao cấp, Phó chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) cơ bản nhất trí với việc sửa đổi và phát triển rừng. Tuy nhiên, theo đại biểu này, trong thời gian qua, có nhiều bất cập trong quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Cơ chế phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế. Trong khi đó, không thể phủ nhận vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rất hiệu quả nhưng dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) chưa quy định vai trò bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Do vậy, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với dự thảo luật về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cho đồng bào dân tộc miền núi có thể sống được bằng nghề rừng.

Về tên gọi của luật, đại biểu Võ Đình Tín tán thành với đề nghị tên luật như tờ trình của Chính phủ là Luật Lâm nghiệp thay cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vì ngoài lý do trong tờ trình của Chính phủ đã nêu, lâm nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng, kinh doanh, chế biến, thương mại lâm sản... Vì thế tiêu đề “Bảo vệ và phát triển rừng” sẽ không bao hàm các hoạt động như trên đồng thời đảm bảo đồng bộ nội dung tại các điều trong dự thảo.

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín, tỉnh Đắc Nông phát biểu ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Về phân loại rừng, đại biểu Võ Đình Tín đồng ý quy định 3 loại rừng như dự thảo, vì phân loại như vậy thuận tiện cho sắp xếp tổ chức trong ngành lâm nghiệp, thực hiện các chủ trương chính sách về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển rừng Quốc gia.

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho biết: “Thực tế cho thấy, không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã có sự tiếp tay, bao che của người có chức, có quyền và sự làm ngơ của lực lượng chức năng. Do vậy, Luật cần quy định cụ thể hành vi này tại Điều 9, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

Theo đại biểu này, về mục đích sử dụng rừng, Điều 24 quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ dưới 20ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn sóng lấn biển dưới 100ha; rừng sản xuất dưới 200ha. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 25 quy định UBND cấp tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng đối với tổ chức trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, tránh chồng chéo về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

“Dân là người trực tiếp bảo vệ rừng, chủ yếu là người dân nghèo, cuộc sống của họ gắn chặt với rừng. Không một lực lượng bảo vệ rừng nào bảo vệ tốt hơn sự tham gia của người dân. Việc chặt phá rừng là để sinh tồn, dù biết việc làm đó là vi phạm pháp luật, chỉ khi nào họ thấy bảo vệ rừng sẽ đảm bảo được cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Một thực tế là khi chúng ta thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thì rừng đã xanh tươi trở lại. Vì thế cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong phát triển rừng” đại biểu Mùa A Vảng đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cơ bản tán thành với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra. Điều 5 về phân loại rừng, trong dự thảo phân thành 3 loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuât. Đại biểu này đề nghị nên phân loại thành 2 loại rừng: Rừng bảo vệ và rừng kinh tế, trong đó rừng bảo vệ gồm: Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn rừng kinh tế là rừng trồng sản xuất. Việc phân loại như vậy phù hợp với phân loại của nhiều nước trên thế giới.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắc Lắc) cho rằng: Quy định phân loại rừng chưa đưa ra được hết nội hàm để bảo vệ và phát triển rừng. Phân loại rừng trong dự thảo chỉ mới đề cập đến phân loại rừng theo mục đích sử dụng rừng thuần túy về kỹ thuật của ngành lâm nghiệp mà chưa rõ tính chất sử dụng đặc thù của rừng gắn với chủ thể, chủ rừng là cộng đồng dân cư các dân tộc như: Rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng biên giới…

Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về tên luật và phạm vi điều chỉnh của luật, về tên, qua thảo luận có 2 luồng ý kiến về phương án tên luật là Luật Lâm nghiệp hoặc Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tại tờ trình 68 ngày 1-3-2017, Chính phủ đề nghị Quốc hội lấy tên luật là Luật Lâm nghiệp.

Tên Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, bao quát đủ nội dung, các hoạt động nông nghiệp theo giá trị rừng quản lý, sử dụng, bảo vệ phát triển rừng, chế biến lâm sản, thương mại... với tư cách lâm nghiệp là một ngành kinh tế đặc thù. Việc xác định tên như vậy là thể chế hóa quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết 26 ngày 5-8-2018. Tham khảo ý kiến luật pháp quốc tế thấy rằng, hầu hết các quốc gia đều lấy tên là Luật Lâm nghiệp hoặc Luật về rừng. Trong quá trình xây dựng dự án luật, phần lớn các ý kiến tham gia, góp ý, thảo luận đều đề nghị lấy tên luật là Luật Lâm nghiệp. Phạm vi điều chỉnh luật, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật. Có một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm thuật ngữ kinh doanh lâm nghiệp. Bộ trường tiếp thu ý kiến này của các đại biểu Quốc hội.

Về phân loại rừng, Bộ trưởng cho biết, đa số ý kiến nhất trí phân loại rừng thành 5 loại như dự thảo, một số đề nghị phân loại thành 2 loại rừng.

Theo Bộ trưởng, mục đích yêu cầu phân loại rừng, tại dự án luật là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả, phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai.

“Việc thay đổi phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm tới mới ổn định. Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng. Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy, việc phân loại rừng rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia đó, các tổ chức quốc tế không khuyến nghị quy định phân loại rừng chung đối với các quốc gia. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung, hoàn thiện luật trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/can-quy-dinh-cu-the-hon-chinh-sach-cua-nha-nuoc-trong-phat-trien-rung-510323