Cần quy định cụ thể, khả thi với chính sách nhà ở xã hội

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay, 5.6, nhiều ĐBQH ghi nhận việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội sẽ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Song, quy định này chỉ thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh

Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội Khóa XIII thông qua đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, kết quả tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Luật cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Do vậy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật với các luật khác có liên quan.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Mặt khác, số liệu năm 2022 cho thấy, với 100 triệu dân, trong đó có 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam thực sự là quốc gia đất hẹp, người đông lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, thu nhập có sự giãn cách lớn. Với đặc thù này, nhiều ĐBQH quan tâm đến chính sách nhà ở xã hội được thể hiện trong dự thảo Luật.

Đánh giá quy định tại Chương VI (từ Điều 73 đến Điều 109), ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhận thấy, tại chương này đã quy định tương đối đầy đủ về đối tượng, hình thức, điều kiện, nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức phát triển nhà ở xã hội cũng như loại hình dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội, các ưu đãi cho nhà đầu tư… Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hay do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, đây là những sửa đổi, bổ sung mới, rất tích cực.

Cùng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) cho rằng, nhà ở xã hội thời gian qua chưa phát triển, chưa huy động được nguồn lực của xã hội thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một phần do việc xây dựng nhà ở xã hội hiện chủ yếu giao cho doanh nghiệp thực hiện, song chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp chưa đủ mạnh. “Quy định 20% diện tích nhà ở xã hội phải dành cho thuê, sau đó 5 năm mới được bán là một bất cập. Hơn nữa, giá nhà ở xã hội do chính quyền địa phương xác định, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng do địa phương xét duyệt. Do đó, doanh nghiệp không mặn mà với xây dựng nhà ở xã hội”. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Đình Khang đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội (Điều 80, dự thảo Luật).

Từ đòi hỏi của thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự, thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định bố trí tỷ lệ diện tích đất nhất định (theo quy định của Luật hiện hành là 20%) trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội...

Cần một mô hình khác để xây dựng nhà ở xã hội

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ toàn diện hơn, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, khoản 1, Điều 22, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quan điểm, công dân có quyền có chỗ ở hợp pháp. Như vậy, bất kỳ ai sinh ra đã được xác lập quốc tịch, xác nhận là công dân của nước ta đều có quyền có chỗ ở hợp pháp. Chỗ ở hợp pháp ở đây có thể là trong một căn nhà, phòng ký túc xá hay trên một con thuyền thuộc sở hữu của một gia đình hay một công dân. Để thực hiện yêu cầu này, chính sách phát triển nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật liên quan có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, nếu vẫn giữ một số quy định điều chỉnh về chính sách nhà ở xã hội trong dự thảo Luật và các luật liên quan, không đổi mới mạnh mẽ hơn về tư duy phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thành công của thế giới, sẽ khó phát triển loại hình nhà ở này.

Dẫn bài học kinh nghiệm tử Hàn Quốc, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, từ những năm 1962, sau quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhu cầu nhà ở cho người dân. Trước hết, Chính phủ Hàn Quốc đã phân loại thành 3 nhóm để có chính sách tương ứng. Theo đó, nhóm thứ nhất là những cá nhân cần được bảo đảm về nhà ở tối thiểu, tương đương như đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được điều chỉnh tại Điều 73, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Quốc hội nước ta đang cho ý kiến. Nhóm thứ hai là nhóm có công ăn việc làm, có khả năng tài chính để mua được nhà ở mức tối thiểu, chỉ cần sự hỗ trợ rất thấp của Nhà nước. Và nhóm thứ ba là những người có thể chủ động mua được nhà đất để ở.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng thành lập Tổng công ty nhà ở và đất ở để thực hiện các yêu cầu chính trị của Chính phủ đối với việc phục vụ cho 3 nhóm đối tượng nêu trên. Trong đó, việc xây dựng nhà ở dành cho đối tượng người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội đều do Tổng công ty này thực hiện và có sự hỗ trợ của Chính phủ. Trong quá trình xây dựng họ có quyền được thực hiện hoặc chỉ định thầu.

Từ những kinh nghiệm này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần tính toán quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc giao cho một tập đoàn hay một cơ quan chịu trách nhiệm phát triển và xây dựng nhà ở xã hội.

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác cũng phát triển thành công mô hình nhà ở xã hội, nhiều đại biểu đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế trong công chức, viên chức sẽ cần tính toán đến khả năng mua/thuê mua/thuê nhà ở xã hội. Thậm chí, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở, thì đóng góp vào quỹ để cùng phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.

Để giúp người lao động có thêm cơ hội sở hữu nhà của riêng mình, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện, chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà Luật Nhà ở hiện hành đã quy định. “Vẫn nên quy định đóng góp nhưng bằng tiền để chính quyền phát triển nhà ở xã hội, vì việc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây nhà ở xã hội có nhiều điểm không thuận”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-quy-dinh-cu-the-kha-thi-voi-chinh-sach-nha-o-xa-hoi--i331462/