Cần quy định cụ thể trường hợp nào thực hiện thẩm định giá Nhà nước, thuê doanh nghiệp thẩm định giá

Cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể những trường hợp nào thực hiện thẩm định giá Nhà nước, trường hợp nào thuê doanh nghiệp thẩm định giá. Đây là kiến nghị của ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) tại phiên thảo luận tại hội trường chiều nay, 23.5 về dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung, sửa đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá. Tại điểm d, khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật có nêu:

“4. Việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực theo quy định của pháp luật khác có liên quan như sau:

… d) Học phí, giá dịch vụ giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật về Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp;”.

Tại Chương III (từ Điều 12 đến Điều 16) dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá (nhưng không quy định thẩm quyền định giá của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

Căn cứ điểm b, khoản 6 Điều 99 - Luật Giáo dục quy định về “Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo”, có nêu: “Cơ chế thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục được quy định như sau:

… b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;…”.

Như vậy, theo quy định của Luật Giáo dục thì HĐND cấp tỉnh có thực hiện việc định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều khoản tại Chương III để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Đỗ Văn Yên, dự thảo Luật Giá có nội dung định giá, nhưng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá. Đại biểu đề nghị tại Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật cần bổ sung cụm từ “định giá” vào Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng của dự thảo, cụ thể:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; định giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam”.

Về giải thích từ ngữ, tại khoản 5, Điều 4 dự thảo luật có nêu: “Mặt bằng giá thị trường là mức giá bình quân của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời kỳ tại một không gian, thời gian nhất định và được phản ánh thông qua chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (nếu có)”.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại cụm từ “được phản ánh thông qua chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất”. Theo đại biểu Đỗ Văn Yên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như chỉ số giá sản xuất (PPI) chỉ phản ánh được biến động về giá của các hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trong giỏ hàng hóa, dịch vụ để tính chỉ số giá; không thể phản ánh biến động giá của tất cả các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Do vậy, nên điều chỉnh thành: “Mặt bằng giá thị trường là mức giá bình quân của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời kỳ tại một không gian, thời gian nhất định” là phù hợp với giải thích từ ngữ “Mặt bằng giá thị trường”.

Về thẩm định giá nhà nước, tại khoản 1 Điều 59 dự thảo quy định về “Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước”: 1. Thẩm định giá của Nhà nước được thực hiện trong trường hợp pháp luật quy định sử dụng phương thức thẩm định giá của Nhà nước làm một trong các cơ sở để người có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc phê duyệt giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước”.

Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể những trường hợp nào thực hiện thẩm định giá Nhà nước, trường hợp nào thuê doanh nghiệp thẩm định giá vì theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, thì việc xác định giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản đều được thuê doanh nghiệp thẩm định giá.

Nhật Trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/can-quy-dinh-cu-the-truong-hop-nao-thuc-hien-tham-dinh-gia-nha-nuoc-thue-doanh-nghiep-tham-dinh-gia-i329806/