Cần quy tắc ứng xử chung cho cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định 758/QĐ-BNV ngày 23-6-2021 về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), người lao động (NLĐ) của Bộ Nội vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB, CC, VC, NLĐ của Bộ.

Cán bộ, công chức ăn mặc lịch sự khi làm việc vừa tạo thiện cảm với người dân vừa tạo nét đẹp nơi công sở Trong ảnh: Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP.Biên Hòa tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: Hồ Thảo

Quyết định nói trên cũng là cơ sở để mỗi cá nhân CB, CC, VC và NLĐ trong ngành nội vụ từ Trung ương đến địa phương tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ.

* Tạo hình ảnh đẹp nơi làm việc

Một trong những điểm nhận được nhiều ý kiến đồng tình của dư luận đối với quy tắc ứng xử của CB, CC, VC của Bộ Nội vụ là quy định về trang phục khi đến nơi làm việc.

Cụ thể khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ CB, CC, VC, NLĐ mặc trang phục theo quy định: trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc (quần, áo kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ). Khuyến khích nữ CB, CC, VC, NLĐ mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, Tết hoặc các dịp đặc biệt của Bộ. Đối với ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng.

Chị N.T.H., một cán bộ công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND H.Trảng Bom bày tỏ, cơ quan, đơn vị nào cũng vậy, hiện rất khó đưa ra một quy chuẩn ăn mặc phù hợp với tất cả quan điểm, ý thích của tập thể. Nhất là giới nữ, vì phụ nữ ai cũng thích ăn mặc đẹp, lịch sự, sang trọng, thoải mái khi đi làm. Tuy nhiên, ăn mặc ra sao đừng để đồng nghiệp, người dân đánh giá, phê bình cán bộ đi làm việc mà ăn mặc không lịch sự hoặc không phù hợp là được.

Chị H. rất đồng thuận với quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, NLĐ của Bộ Nội vụ và cho rằng: “Quy định như vậy là ổn, linh hoạt và không quá cứng nhắc, không can thiệp quá sâu bằng mệnh lệnh hành chính đối trang phục công sở của CB, CC, VC, NLĐ”.

* Thực hiện “4 xin, 4 luôn”

Bên cạnh quy định về trang phục, quy tắc ứng xử của CB, CC, VC của Bộ Nội vụ còn quy định rất rõ cách ứng xử, tác phong, lề lối tại nơi làm việc của CB, CC, VC.

Theo đó, CB, CC, VC, NLĐ trong quá trình thực thi công vụ mà tiếp xúc trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, qua internet...) với tổ chức và công dân thì phải bảo đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà tổ chức và công dân cần hướng dẫn, trả lời; phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của tổ chức và công dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC của Bộ Nội vụ còn quy định cụ thể những việc CB, CC, VC, NLĐ không được làm là: có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc để trục lợi cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân. Từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Không được lợi dụng việc phát biểu ý kiến, việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp; không nịnh bợ cấp trên lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ không chỉ quy định quy tắc ứng xử của CB, CC, VC và NLĐ nơi công cộng mà còn với nhân dân nơi cư trú, gia đình. Cụ thể ứng xử của CB, CC, VC và NLĐ với nhân dân nơi cư trú như: không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.

Ứng xử của CB, CC, VC và NLĐ trong gia đình như: không để cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị em ruột lợi dụng danh nghĩa của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân. Gương mẫu, tránh phô trương, lãng phí khi tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác nhằm mục đích trục lợi.

Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong quy tắc ứng xử của CB, CC, VC của Bộ Nội vụ khá chi tiết, cụ thể, góp phần xây dựng, chấn chỉnh phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB, CC, VC. Chính vì vậy, dư luận mong muốn các bộ, ngành, đơn vị khác sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử riêng của mình như Bộ Nội vụ để CB, CC, VC, NLĐ trực thuộc đơn vị và hệ thống của mình từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhằm tạo hình ảnh đẹp nơi công sở và trong lòng dân.

Ông Lê Văn Mạnh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bày tỏ, khi các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng quy tắc ứng xử của CB, CC, VC sẽ chấm dứt trình trạng CB, CC, VC, NLĐ một số cơ quan đơn vị còn nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; hút thuốc lá tại cơ quan, phòng làm việc; ăn mặc tùy tiện, thiếu lịch sự nơi công sở…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202107/can-quy-tac-ung-xu-chung-cho-can-bo-cong-chuc-3066375/