Cần quy trình đặc biệt trong điều tra, xét xử xâm hại trẻ em

UBND TP Đà Nẵng cho rằng cần ban hành quy trình điều tra, xét xử riêng, thân thiện với trẻ bị xâm hại.

Chiều 4-10, đoàn giám sát của Quốc hội (QH) do bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, dẫn đầu có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE) giai đoạn 2015 đến hết tháng 6-2019.

Theo báo cáo của TP, trong giai đoạn này, toàn TP xảy ra 64 vụ XHTE với 65 trẻ bị xâm hại, tập trung ở các hình thức cố ý gây thương tích và xâm hại tình dục. So với giai đoạn 2011-2015, toàn TP giảm 50 vụ và 54 trẻ bị xâm hại. Theo đánh giá, đối tượng thực hiện hành vi XHTE phần lớn là nam giới và người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình…

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: TẤN VIỆT

Từ thực trạng trên, TP kiến nghị tăng hình phạt đối với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, các cấp cần ban hành quy trình điều tra, xét xử riêng, thân thiện với trẻ bị xâm hại.

“Cần có quy định áp dụng các biện pháp đặc biệt khi lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên. Ví dụ như ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai trong quá trình điều tra và sử dụng bản ghi âm, ghi hình đó thay cho việc phải khai trực tiếp tại tòa. Xét xử kín, cung cấp lời khai qua kết nối trực tuyến để trẻ không bị căng thẳng vì phải khai trực tiếp tại tòa và không phải nhìn thấy bị cáo, đồng thời tránh được việc họ thay đổi lời khai gây khó khăn cho quá trình giải quyết” - TP nêu kiến nghị.

Đoàn giám sát trò chuyện với học sinh tiểu học ở quận Thanh Khê. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo bà Nga, Đà Nẵng liên tục nằm trong nhóm bốn tỉnh đi đầu trong bảo vệ quyền trẻ em những năm qua. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn Đà Nẵng làm sáng kiến TP thân thiện với trẻ em, trong đó có tiêu chí là an toàn với trẻ em. Điều đó cho thấy Đà Nẵng đang thực hiện rất tốt các chính sách bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống XHTE.

Bà Nga đề nghị Đà Nẵng cần có kế hoạch riêng để triển khai Luật Trẻ em. “Số vụ XHTE của Đà Nẵng so với trung bình cả nước là thấp nhưng vẫn không được chủ quan bởi có những vụ không được báo cáo, gia đình che giấu…” - bà Nga lưu ý.

Cùng ngày, đoàn giám sát đã làm việc với quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Đoàn cũng chia thành hai nhóm thăm và kiểm tra đột xuất tại hai trường tiểu học, THCS tại quận Thanh Khê.

Qua trò chuyện trực tiếp với học sinh từ lớp 2 đến lớp 9, cả hai nhóm của đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được của quận trong việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về bảo vệ trẻ em. Phần lớn học sinh đều nắm vững kiến thức về XHTE, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo lực.

Bà Lê Thị Nga lưu ý Quận ủy Thanh Khê tổ chức một cuộc họp liên quan XHTE ngay sau buổi giám sát của đoàn. Cuộc họp cần nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Trẻ em, đồng thời phải ra được văn bản phân công trách nhiệm từng phòng, ban, từng nhánh rõ ràng. “Đừng nói suông là cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng khi xảy ra vụ việc (XHTE - PV) thì không biết trách nhiệm của ai” - bà Nga nhấn mạnh.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/can-quy-trinh-dac-biet-trong-dieu-tra-xet-xu-xam-hai-tre-em-862100.html