Cần sớm có chiến lược

Thời gian qua dư luận cả nước có rất nhiều hội thảo bàn về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nêu những thách thức, cơ hội đối với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư, yêu cầu các bộ, ngành rà soát chiến lược, chương trình hành động, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, nhìn lại hơn một năm rưỡi qua, ở một số bộ, ngành và địa phương mới dừng lại ở hội nghị, hội thảo mà chưa có một chiến lược tổng thể (hoặc kế hoạch tổng thể) để tiếp cận với cuộc cách mạng về công nghiệp này.

Điều này đang tạo ra những khó khăn cho các cơ sở giáo dục đào tạo để chuẩn bị nhân lực trong những lĩnh vực ngành kinh tế nào, cũng như kế hoạch phân bổ ngân sách cho các ngành và địa phương.

Chưa có một chiến lược tổng thể về sản xuất hoặc phát triển các dịch vụ xã hội trên phạm vi quốc gia sẽ rất khó phát huy thế mạnh của địa phương, vùng và sự điều phối nguồn lực cho sự phát triển. Dựa theo khung chiến lược quốc gia theo ngành, các địa phương mới có cơ sở để xây dựng kế hoạch và chiến lược cho mình đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, không chồng chéo.

Lấy ví dụ như ngành nông nghiệp. Cho đến lúc này, chúng ta chưa có được kế hoạch tổng thể phát triển nền nông nghiệp 4.0 để có sự tổ chức hội thảo bàn về đào tạo nhân lực giữa hai bộ trưởng NN-PTNT và Bộ GD-ĐT.

Việc cung cấp nhân lực cho nền nông nghiệp thông minh rất cần có địa chỉ cụ thể ở những lĩnh vực nào của ngành nông nghiệp cần và ở địa phương nào dựa theo quy hoạch phát triển. Sản xuất nông nghiệp thông minh không chỉ ở quá trình sản xuất nông nghiệp mà còn liên quan đến các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm - cũng phải được điều khiển bằng công nghệ quản lý thông minh với nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp.

Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tiếp cận CMCN 4.0 kèm theo quy hoạch phát triển có thể xem là tiền đề cho việc huy động, phân bổ nguồn lực và chuẩn bị nhân lực phục vụ cho chiến lược ấy.

Nếu không có chiến lược phát triển ngành, các trường đại học cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thiếu định hướng trong mở ngành, phân công và hợp tác đào tạo nhân lực cho nền nông nghiệp số.

Tóm lại, dù trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ thời kỳ CMCN 4.0, điều cần thiết là cần sớm có chiến lược phát triển để chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo sau.Chúng ta nói nhiều về cuộc cách mạng này nhưng ai là người làm mới là điều quan trọng! Và, để có người làm thì rất cần có chiến lược phát triển ngành đi trước một bước, các cơ sở giáo dục đào tạo mới có thể biết dạy những gì và cho ai?

TS HOÀNG NGỌC VINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-som-co-chien-luoc-557901.html