Cần sớm có hướng dẫn cho nghị định mới về phòng cháy, chữa cháy

Một trong những điểm mới, nổi bật của Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (gọi tắt là Nghị định 136) là đưa nhà trọ và nhà vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh vào quản lý. Theo đó, tùy khối tích xây dựng mà các cơ sở này sẽ do UBND cấp xã hay cơ quan công an quản lý.

Những hộ vừa ở vừa kinh doanh sẽ nằm trong diện quản lý về phòng cháy. Trong ảnh: Một tiệm bán tạp hóa ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Những hộ vừa ở vừa kinh doanh sẽ nằm trong diện quản lý về phòng cháy. Trong ảnh: Một tiệm bán tạp hóa ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Nghị định 136 có hiệu lực (ngày 10-1-2021), nên không ít chủ nhà trọ nhỏ (dưới 1 ngàn m3) và các hộ vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ (có diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2) đang lúng túng không biết phải làm gì để đảm bảo điều kiện mới về PCCC.

* Lúng túng trước quy định mới

Theo Nghị định 136, nhà trọ có khối tích dưới 1 ngàn m3 và nhà vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2 sẽ do UBND cấp xã quản lý. Đây là những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, tồn tại nhiều trong các khu dân cư, thậm chí trong các hẻm nhỏ nhưng nhiều năm qua nằm ngoài sự quản lý phòng cháy của cơ quan chức năng. Do đó, việc đưa những loại hình này vào quản lý phòng cháy với các quy định chặt chẽ đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, nhất là các hộ dân sống quanh những cơ sở này.

Anh Nguyễn Minh Hoàng (công nhân ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Quy định mới này sẽ khiến những người ở trọ như chúng tôi được an tâm hơn khi chủ nhà trọ hay những nhà bán tạp hóa trong khu dân cư phải có trách nhiệm phòng cháy. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng sẽ có trách nhiệm nắm tình hình, nhắc nhở các hộ kinh doanh nói trên đảm bảo an toàn phòng cháy”.

Tuy nhiên, vì đây là những loại hình cơ sở chưa từng được quản lý, lại chủ yếu được chủ nhà cải tạo, tận dụng lại diện tích ngôi nhà để sản xuất, kinh doanh, cho thuê trọ nên các chủ nhà đã lúng túng trước quy định mới trên.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 5, Nghị định 136 yêu cầu các cơ sở nêu trên phải có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC.

Ngoài ra, tại Điều 7, Nghị định 136 cũng yêu cầu hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như: có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

* Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Chị N.T.B.H. (kinh doanh tạp hóa tại nhà ở P.An Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi đồng ý rằng quy định điều kiện an toàn phòng cháy với các nhà trọ, nhà vừa ở vừa kinh doanh như chúng tôi là cần thiết. Nhưng các loại hình cơ sở này vốn chỉ là các chủ hộ, người cao tuổi, phụ nữ ở nhà tranh thủ buôn bán, cho ở trọ kiếm thêm thu nhập, nên nếu buộc phải đi tập huấn, huấn luyện sẽ rất khó khăn. Chưa kể hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào đến hướng dẫn chúng tôi cần phải làm gì, trang bị gì, làm các thủ tục ra sao để đáp ứng tốt quy định mới”.

Bên cạnh đó, một số chủ trọ nhỏ ở TP.Biên Hòa cũng cho biết, các phòng trọ của họ chủ yếu tận dụng đất nhà, được xây dựng từ lâu nên để bố trí lối thoát hiểm hoặc tường ngăn cháy sẽ rất mất thời gian. Do đó, cơ quan chức năng địa phương cần đi kiểm tra bước đầu, hướng dẫn chủ các nhà trọ điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp theo yêu cầu.

Theo UBND các phường tại TP.Biên Hòa, các cơ sở nhỏ, lẻ nêu trên nếu giao về cho UBND cấp xã quản lý với yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ một năm một lần sẽ rất thuận lợi trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy tại địa bàn, nhất là đặc thù đô thị nhà san sát, dễ cháy lan. Tuy nhiên, hiện nay cần có thêm quy định trong cơ cấu “cứng” lực lượng công an các phường, xã phải có cán bộ được đào tạo chuyên ngành PCCC. Từ đó, mới có cán bộ chuyên ngành tham mưu phù hợp tình hình thực tế, quá trình kiểm tra của UBND cấp xã mới đạt hiệu quả.

Một lãnh đạo UBND phường tại TP.Biên Hòa nhận định: “Thời gian qua, việc kiểm tra an toàn phòng cháy đều do công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tiến hành nên Công an cấp xã chỉ nắm chung chung. Do đó, muốn giao một số cơ sở về cấp xã quản lý thì Công an địa phương phải có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về vấn đề này, khi đó triển khai thực hiện các quy định mới đúng”.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về Nghị định 136/2020/NĐ-CP mới ban hành. Đồng thời, khi có thông tư hướng dẫn, cẩm nang tuyên truyền mới của cơ quan cấp trên, lực lượng chức năng sẽ triển khai về các đơn vị, địa phương. Từ đó, áp dụng thực hiện tại các cơ sở cho đúng theo quy định, góp phần đảm bảo an toàn phòng cháy tại các địa phương trong tỉnh.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202012/can-som-co-huong-dan-cho-nghi-dinh-moi-ve-phong-chay-chua-chay-3035302/