Cần sớm có khung pháp lý cho hoạt động Fintech để minh bạch thị trường

Đó là mong mỏi của ông Đỗ Minh Hải, đồng sáng lập (co-Founder) kiêm Giám đốc tài chính Công ty TNHH ATM Online Việt Nam khi nhìn nhận về thị trường Fintech (Financial Technology) tại Việt Nam. Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Đỗ Minh Hải liên quan đến các hoạt động Fintech tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường Fintech tại Việt Nam hiện nay?

Theo thống kê hiện dân số Việt Nam 96 triệu người thì có tới 55 triệu người dùng mạng xã hội tích cực và 50 triệu người dùng điện thoại tích cực. Trong đó có tới 21 triệu khách hàng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ online. Sự phát triển của internet thực sự là một “đại dương xanh” cho ngành tài chính tiêu dùng, thúc đẩy các dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt và cung cấp các giải pháp tài chính tới những đối tượng khách hàng chưa được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng truyền thống.

 Ông Đỗ Minh Hải, đồng sáng lập (co-Founder) kiêm Giám đốc tài chính Công ty TNHH ATM Online Việt Nam

Ông Đỗ Minh Hải, đồng sáng lập (co-Founder) kiêm Giám đốc tài chính Công ty TNHH ATM Online Việt Nam

Đây cũng là lý do khiến hàng trăm app, các trang web hoạt động fintech cho vay trực tuyến mọc lên như nấm sau mưa, trong khi nhà nước chưa có bất cứ khung pháp lý nào cho hoạt động của các công ty Fintech. Điều này khiến thị trường nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn ảnh hưởng đến cả khách hàng và các công ty làm ăn minh bạch.

Vậy trong khi chưa có khung pháp lý thì Công ty TNHH ATM Online Việt Nam - công ty fintech do ông đồng sáng lập hoạt động dưới hình thức như thế nào? Đối tượng khách hàng mà công ty nhắm đến cũng như các sản phẩm dịch vụ mà công ty cung cấp?

ATM Online Việt Nam là thành viên của TM Online có trụ sở chính tại Singapore và hoạt động tại Việt Nam theo Luật Đầu tư nước ngoài. Chúng tôi có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 làm dịch vụ tư vấn tài chính (mã ngành 7020) giới thiệu khách hàng có nhu cầu vay với các khoản vay trực tuyến thanh toán trả góp. Chúng tôi ký kết hợp tác với công ty TNHH Thương mại dịch vụ TM 24H (100% vốn Việt Nam) hoạt động cấp tín dụng khác (dịch vụ cầm đồ theo mã ngành 6492). Đây là đơn vị sẽ giải ngân các khoản vay do chúng tôi tư vấn.

Đối tượng khách hàng có độ tuổi 22-60 tuổi, có thu nhập ổn định, có tài khoản ngân hàng, thích sự tiện lợi của sản phẩm và dịch vụ fintech nhưng không có khả năng vay được các sản phẩm vay của các công ty tài chính hay ngân hàng truyền thống. Đây là những khách hàng có nhu cầu vay khoản nhỏ trong thời gian ngắn.

Sản phẩm là các khoản tiền vay từ 3-6 triệu đồng đối với khách hàng vay lần đầu và lên tới 10 triệu đồng đối với khách hàng vay lại. Kỳ hạn vay 03 tháng đối với khách hàng vay lần đầu và 06 tháng đối với khách hàng vay lại. Lãi suất và các mức phí thấp hơn các công ty cùng ngành. Thủ tục đăng ký vay online phê duyệt chỉ từ 10-30 phút. Các khoản vay có hợp đồng chuyển khoản thẳng vào tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ.

Vậy từ khi hoạt động đến nay công ty đã giải ngân được bao nhiêu khoản vay và vấn đề nợ xấu của ATM Online được quản lý như thế nào?

Hiện chúng tôi có hơn 1,5 triệu đơn đăng ký vay nhưng khách hàng được duyệt vay mới đạt hơn 100 ngàn khách với mức cao nhất là 10 triệu thấp nhât là 3 triệu. Tỷ lệ cho vay khi thẩm định chỉ đạt 7%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 15%.

Sau 3 năm hoạt động trong lĩnh vực Fintech, ông thấy khó khăn nhất hiện nay là gì? Theo ông cần có khung pháp lý như thế nào để thúc đẩy Fintech ở Việt Nam phát triển?

Về khó khăn hiện trên thị trường có khoảng 12 nhóm qui tụ khoảng hơn 10 ngàn người kêu gọi không trả nợ vay trên online. Thậm chí còn có các nhóm mua bán giấy tờ giả, sửa thông tin chứng minh nhân dân, biên lai đóng tiền... gây nhiễu loạn thị trường ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty làm ăn minh bạch.

Fintech là xu thế tất yếu của thị trường tài chính vì vậy rất cần qui định cụ thể như doanh nghiệp hoạt động phải có đăng ký kinh doanh và kiểm toán đầy đủ. Cần có khung pháp lý và chính sách quản lý. Cụ thể, các công ty Fintech phải tích cực tham gia cùng Ngân hàng nhà nước (NHNN) về việc xây dựng chính sách quản lý minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt cần có trung tâm thông tin tín dụng cho Fintech. Các công ty Fintech phải được kiểm toán, báo cáo đầy đủ cho NHNN.

Ngày 1/6 vừa qua, NHNN đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Theo tôi, về mặt pháp lý, nên đưa các công ty Fintech vào trong phạm vi quản lý của NHNN vì: có hoạt động cho vay; Để quản lý rủi ro, tránh nợ xấu, qui định thống nhất quy trình cho vay, nhắn nợ, trích lập dự phòng, chia sẻ dữ liệu trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC)…

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Minh Long - thưc hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-som-co-khung-phap-ly-cho-hoat-dong-fintech-de-minh-bach-thi-truong-140440.html