Cần sớm có làn đường riêng cho xe buýt

Tại tọa đàm 'Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?' do Báo Giao thông tổ chức ngày 17/11, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, thời gian di chuyển của xe buýt đóng vai trò tích cực giúp tăng tính hấp dẫn của loại phương tiện này. Tuy nhiên, thời gian đi lại của người dân khi tham gia xe buýt đang bị kéo dài.

Ông Nghiêm Quốc Thắng cho biết, nếu như trước đây giá vé rẻ là một trong những điều kiện thu hút người dân, tuy nhiên gần đây cần phải thay đổi quan điểm về vấn đề này. Để thu hút người dân thì cần thời gian di chuyển ngắn, chất lượng phục vụ tốt.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, hiện xe buýt Thủ đô đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải là tắc đường. Hệ lụy tắc đường khiến tốc độ di chuyển của xe buýt ngày một giảm, điều này khiến xe buýt trở nên kém hấp dẫn.

Ùn tắc giao thông là một trong những nguyên nhân chính khiến việc di chuyển của xe buýt gặp hạn chế.

Dẫn giải điều này, ông Nghiêm Quốc Thắng thông tin, trước đây, ở khoảng năm 2014, tốc độ lữ hành của xe buýt là trên 18km/h nhưng năm 2018 tốc độ lữ hành còn 14km/h. Mỗi năm tốc độ lữ hành lại chậm đi 1km/h.

Để cải thiện vấn đề này, ông Thắng cho rằng cần sớm đưa thêm tuyến đường riêng cho xe buýt để cải thiện tốc độ lữ hành. “Lợi ích của đường dành riêng, ngoài việc phục vụ xe buýt thì có thể phục vụ xe ưu tiên hoặc các phương tiện phục vụ tham quan quốc tế khi có các sự kiện ngoại giao” - ông Nghiêm Quốc Thắng đề xuất.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, việc cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (bao gồm cải thiện thời gian chuyến đi) cần sự nỗ lực của đa ngành.

Tại Hà Nội, hiện có khoảng 8 triệu phương tiện gồm 7 triệu xe máy và trên 1 triệu ô tô, tốc độ tăng phương tiện cá nhân là 4,5% trong khi đó diện tích giao thông trên diện tích xây dựng cho đô thị khoảng trên 10%, tốc độ tăng diện tích đường giao thông từ 0,2 – 0,3%, rất thấp so với tốc độ tăng phương tiện cá nhân.

Ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, Hà Nội cũng đã đưa thêm một số loại hình phương tiện công cộng mới như xe đạp, đường sắt đô thị, lượng khách sử dụng phương tiện đường sắt đô thị liên tục tăng do thời gian đi rất nhanh.

Lấy ví dụ, đi trên đường Nguyễn Trãi từ Cát Linh đến Yên Nghĩa nếu bằng ô tô trong giờ cao điểm sẽ mất khoảng 1,5 tiếng nhưng đi đường sắt đô thị chỉ 25 phút.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, cùng với việc hoàn thiện mạng lưới vận tải công cộng, những giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân cũng sẽ được triển khai đồng hành trong thời gian tới. Và khi người dân sử dụng phương tiện công cộng tăng, xe cá nhân hạn chế hơn sẽ giúp nâng cao tốc độ của xe buýt như mong muốn của người dân.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-som-co-lan-duong-rieng-cho-xe-buyt-162850.html