Cần sớm có một lực lượng riêng bảo vệ du khách

Lãnh đạo Công an TPHCM khẳng định tại một cuộc họp hôm nay rằng ngành công an có trách nhiệm bảo đảm an ninh chung tại thành phố, nhưng an toàn của du khách là trách nhiệm chính của ngành du lịch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị sáng nay - Ảnh: Văn Nam

Đáp lại lời than phiền của đại diện ngành du lịch về việc mất an toàn của du khách khi đến tham quan thành phố, ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, khẳng định không bao giờ lực lượng công an đi bảo vệ khách hàng cho một ngành hàng nào, kể cả ngành có nguy cơ cao như an ninh hàng không, mà an ninh ngành nào thì phải do ngành đó tự tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị về phòng chống tội phạm trên địa bàn thành phố diễn ra hôm nay, 1-3, ông Minh dẫn lại chỉ đạo trước đây của lãnh đạo thành phố rằng ngành du lịch sẽ tổ chức riêng một lực lượng bảo vệ du khách; Công an thành phố chịu trách nhiệm huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này để phản ứng nhanh bảo vệ du khách khi bị xâm hại.

Trong khi chờ có lực lượng cảnh sát du lịch, ông Minh thông tin công an thành phố sẽ đưa ra quy định xử lý các doanh nghiệp dịch vụ du lịch không đảm bảo an toàn cho du khách, bởi trách nhiệm bảo vệ tài sản du khách ngay trong phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp thì thuộc về doanh nghiệp du lịch.

“Nơi nào để tài sản du khách bị xâm hại thì ngành du lịch có thể thu hồi giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, công an thành phố sẽ hạn chế quyền bảo lãnh đối với các doanh nghiệp bảo lãnh xin visa cho khách mà để cho du khách bị thiệt hại không trình báo, không hướng dẫn để du khách cảnh giác, phòng ngừa. Thậm chí doanh nghiệp nào bảo lãnh du khách mà để du khách vi phạm ở ngoài thì công an thành phố sẽ cắt quyền xin thị thực của các doanh nghiệp đó”, ông Minh nêu một số giải pháp.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin rằng ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TPHCM nhưng an ninh cho du khách là điều đáng quan ngại nhất.

Theo ông Khánh, trong năm 2015, Sở Du lịch thành phố nhận được công hàm từ đại diện các nước Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM, phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản …. Trong số này, Nhật Bản có 83 trường hợp, Úc 73 trường hợp, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM phản ánh 80 trường hợp và Hàn Quốc có 10 trường hợp.

“Bằng văn bản, họ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng công dân nước ngoài bị xâm hại an ninh, bị cướp giật tài sản trong các quận huyện ở thành phố và sự thiếu hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ của lực lượng chức năng khi du khách phản ánh thông tin”, ông Khánh nêu thực trạng.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, ông Khánh cho biết thêm cách đây gần 7 năm thành phố có tổ chức một lực lượng hỗ trợ du khách (hỗ trợ chứ không phải bảo vệ) do Thanh niên Xung phong đảm nhiệm. Đến nay lực lượng này có gần 250 đội viên nhưng đội hỗ trợ du khách này yếu ngôn ngữ, nghiệp vụ du lịch nên khi “đụng chuyện” đứng ra đuổi bắt cướp giật để bảo vệ du khách thì bị tội phạm phản ứng mà chế độ đãi ngộ lực lượng này cũng chưa tương xứng.

Ông Khánh dẫn trường hợp Thái Lan và Lào đã thành lập cảnh sát du lịch với đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ, trang thiết bị, đào tạo kỹ năng du lịch… trong khi TPHCM là điểm hấp dẫn với du khách nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được cảnh sát du lịch.

“Sở Du lịch không thể quản lý lực lượng bảo vệ du khách được, cơ quan quản lý ngành du lịch không thể đứng ra bảo vệ du khách về an ninh, trận tự, xâm phạm tài sản … Với kinh nghiệm gần 30 năm làm du lịch, cá nhân tôi cho rằng cơ quan quản lý du lịch nếu được giao nhiệm vụ này thì không thể đạt hiệu quả được”, ông Khánh nói.

Chủ tịch quận, huyện phải liên đới chịu trách nhiệm

Kết luận về vấn để bảo vệ du khách, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, để tránh làm xấu hình ảnh thành phố trong mắt người nước ngoài, thành phố cần sớm có một lực lượng bảo vệ du khách.

Ông Phong cho biết trong năm 2015 khách du lịch nước ngoài đến TPHCM khoảng 4,6 triệu lượt người. Mục tiêu của thành phố sắp tới là tạo ra môi trường du lịch thân thiện cho khách nước ngoài. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Du lịch thành phố nghiên cứu, để xuất thành lập lực lượng bảo vệ du khách bán chuyên trách trên cơ sở lực lượng hỗ trợ du khách hiện có với sự hỗ trợ huấn luyện nghiệp vụ của công an thành phố để du khách bớt phàn nàn.

Liên quan đến các giải pháp kéo giảm tội phạm trong thời gian tới, ông Phong cho biết thành phố sẽ triển khai 10 nhiệm vụ phòng chống tội phạm, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Trong đó, trước mắt TPHCM sẽ tập trung một số biện pháp như tăng cường lực lượng kéo giảm rõ rệt các loại tội phạm xã hội, đáng chú ý là tội phạm về trộm cắp, cướp giật; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nếu địa bàn nào để xảy ra tội phạm hoạt động phức tạp, kéo dài, lộng hành thì chủ tịch quận huyện đó phải chịu trách nhiệm. "Nếu xảy ra tình trạng bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm, kiên quyết thay thế lãnh đạo, chỉ huy yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ được giao về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xã hội, ông Phong khẳng định.

Theo dự báo của Công an TPHCM, trong thời gian tới, tác động của khủng hoảng kinh tế phục hồi chậm, kết cấu hạ tầng và dịch vụ công quá tải so với dân số tăng nhanh, đời sống dân cư khó khăn là nguy cơ gia tăng tội phạm.

Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, kinh tế tiếp tục lợi dụng các điều kiện đặc thù của thành phố để móc nối hoạt động. Tình trạng vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực về môi trường, dịch vụ thương mại xảy ra nhiều. Ngoài ra, nếu công tác quản lý người nghiện không hiệu quả sẽ tác động tiêu cực đến trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

Tổng kết năm 2015, theo Công an TPHCM, trong năm 2015 thành phố có 6.004 vụ phạm pháp hình sự, giảm gần 6% so với năm 2014. Tội phạm giảm nhưng theo Công an TPHCM, hiện vẫn còn tiềm ẩn các loại tội phạm từ các địa phương khác vào thành phố hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm (vũ trường, quán bar …).

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/142952/can-som-co-mot-luc-luong-rieng-bao-ve-du-khach.html/