Cần sớm giải quyết dứt điểm

QĐND - Hơn 10 năm nay bà Đỗ Thị Huyến, 66 tuổi, cựu TNXP Trường Sơn, thương binh, nạn nhân chất độc da cam có hộ khẩu thường trú tại khu 9, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã khiếu nại việc Chủ tịch UBND huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình không được minh bạch, công khai.

Tóm tắt sự việc

Gia đình bà Huyến có 8 khẩu, 2 hộ, có hộ khẩu riêng biệt (vợ chồng bà, con gái Hoàng Thị Huệ-nạn nhân chất độc da cam, là chủ hộ) cùng sinh sống trên mảnh đất có diện tích hơn 178m2, nguồn gốc rõ ràng và đã được UBND huyện Yên Hưng cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 12-5-1992. Gia đình bà mở quán bán giải khát lấy tiền mua thuốc cho các con, cháu bà bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin.

Ngày 03-7-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Văn bản số 759/CP-CN Dự án nâng cấp Quốc lộ 10, sử dụng nguồn vốn dư của dự án Quốc lộ 18 bằng nguồn vốn ODA. Ngày 30-9-2002, Bộ GTVT có Quyết định số 3150/QĐ-GTVT về đầu tư các tiểu dự án nâng cấp tuyến đường Biểu Nghi-Phà Rừng. Dự án này không có việc mở rộng nút giao thông cầu sông Chanh. Tiếp đó, Bộ GTVT ban hành quyết định số: 787/QĐ-GTVT, ngày 25-3-2003, phê duyệt kế hoạch phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư các tiểu dự án sử dụng vốn dư sau đấu thầu Quốc lộ 18. Theo quyết định này, nhà và đất của gia đình bà Huyến nằm ngoài phạm vi GPMB. UBND huyện Yên Hưng lúc đó đã có Công văn số 89/CV-UB ngày 14-3-2003, đề nghị giải quyết mở các nút giao thông; Ban Quản lý các dự án 18 có công văn số: 4046/PID6-PID8 đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án GPMB nút giao thông cầu sông Chanh, nhưng không được Bộ GTVT phê duyệt.

Ngày 21-9-2005, Tiểu dự án nâng cấp đoạn Biểu Nghi-Phà Rừng Quốc lộ 10 đã hoàn thành. Nhà, đất của gia đình bà chỉ bị thu hồi khoảng 10m2. Thế nhưng, UBND huyện Yên Hưng đã ban hành 02 quyết định số 3068/QĐ-UBND ngày 24-9-2008 và số 3483/QĐ-UBND ngày 06-10-2008, để tổ chức cưỡng chế, phá hủy toàn bộ đất đai, nhà cửa của gia đình bà.

Các phóng viên đứng bên ngoài hội trường không được vào dự buổi tranh luận công khai giữa UBND tỉnh và gia đình bà Huyến ngày 5-8-2013.

Buổi đối thoại có gì khuất tất?

Ngày 16-5-2013, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh cùng Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên đã nghe và xem xét đơn khiếu nại của bà Huyến. Sau buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đã có kết luận (số 1037A-TB-TU ngày 22-5-2013) nêu rõ: “… Trong cuộc đối thoại trực tiếp để giải quyết vụ việc của gia đình bà Đỗ Thị Huyến, mời các cơ quan báo chí cùng tham dự và đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Ngày 5-8-2013, UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với gia đình bà Đỗ Thị Huyến. Điều khiến dư luận thất vọng là phóng viên báo chí đã bị lực lượng bảo vệ không cho vào dự (trừ phóng viên báo, đài Quảng Ninh), lý do UBND tỉnh sẽ thông báo kết quả lúc 16 giờ 30 phút. Quá bức xúc, một số phóng viên đã gọi điện tới Văn phòng Tỉnh ủy nhờ can thiệp nhưng vẫn không được vào dự. Trong khi có rất đông các cơ quan chức năng của tỉnh, thị xã và đoàn luật sư của UBND tỉnh tham dự, thì phía gia đình bà Huyến chỉ có 4 người (bà Huyến, chồng, con gái và luật sư).

Mãi 19 giờ kém 15 phút, các cơ quan báo chí mới được mời nghe thông báo. Do chờ đợi quá lâu và không hài lòng với cách làm việc trên, đa số phóng viên đã bỏ về. Vì họ muốn được nghe đối thoại trực tiếp giữa hai bên, chứ không chỉ nghe thông báo một chiều của UBND tỉnh. Một số phóng viên tỏ ra bức xúc: “Không biết có gì khuất tất mà UBND tỉnh lại không cho các cơ quan báo chí vào dự theo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy?”.

Việc UBND huyện Yên Hưng cấm các nhà báo vào dự buổi đối thoại là làm trái với ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, vi phạm điều 30, Luật Khiếu nại và khoản 1, Điều 8, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP, ngày 26-04-2002, Hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Báo chí.

Đến nay, vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Vấn đề mà bà Huyến yêu cầu được cung cấp tài liệu gốc liên quan đến nội dung khiếu nại của bà vẫn chưa được đáp ứng. Dư luận đang mong vụ việc của một cựu TNXP Trường Sơn, thương binh, nạn nhân chất độc da cam sớm được giải quyết dứt điểm một cách có lý, có tình.

Theo Luật sư Phạm Quốc Việt, Trưởng Văn phòng Luật sư Đất Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội): “Trong Công văn số 759/CP-CN, ngày 3-7-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3150/QĐ-GTVT ngày 30-9-2002; Quyết định số 787/QĐ-GTVT ngày 25-3-2003 của Bộ GTVT không có việc mở rộng nút giao cầu sông Chanh. UBND huyện Yên Hưng, PMU 18 và Cục Giám định & QLCL CTGT tuy có công văn đề nghị, nhưng Văn bản 3916 của Bộ GTVT chỉ mới gợi ý về chủ trương, chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án này. Quyết định 134/QĐ-UBND của UBND huyện Yên Hưng thu hồi đất của gia đình bà Huyến vừa vi phạm nội dung ban hành văn bản, vừa trái thẩm quyền. Vì vậy, quyết định này vô hiệu. Quyết định thu hồi đất số 961/QĐ-UBND ngày 05-4-2005 của UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi 446,8m2 của một số hộ dân, là trái với Luật Đất đai và khoản 5, điều 130 của Nghị định 181/2004, không có cơ sở pháp lý để thực hiện, nên quyết định này cũng vô hiệu. UBND huyện Yên Hưng căn cứ vào những quyết định vô hiệu, để ban hành quyết định cưỡng chế nhà và đất của gia đình bà Đỗ Thị Huyến là vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: LÊ QUÝ HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/260955/Default.aspx