Cần sớm hoàn thiện mạng lưới quan trắc KTTV chuyên dùng

Đối với địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai gây ra, việc sớm hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) chuyên dùng được coi là giải pháp cấp thiết để phục vụ kịp thời công tác cảnh báo, dự báo KTTV cũng như giúp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai.

Tháng 9/2019, mưa lớn khiến nhiều phương tiện bị mắc kẹt tại bến bãi trong khu Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Gái (CTV)

Cho đến tận thời điểm này, không ít người dân trên địa bàn Quảng Ninh vẫn đau xót khi nhớ lại trận mưa lụt lịch sử tháng 7/2015, làm hàng chục người chết và mất tích, gần 10.000 ngôi nhà bị ngập nước, nhiều địa phương bị chia cắt do nước lũ... Tổng thiệt hại lên tới gần 3.000 tỷ đồng, trong đó ngành Than thiệt hại 1.200 tỷ đồng.

Từ năm 2015 trở lại đây, một số địa phương trong tỉnh tiếp tục ghi nhận những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra khi mưa lũ cục bộ liên tiếp gây ngập lụt, phá hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, khiến cho đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.

Trước những nguy cơ về thiên tai, nhu cầu về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên cấp thiết. Kết quả điều tra khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều có nhu cầu cao trong việc khai thác thông tin, số liệu quan trắc, dự báo KTTV và cảnh báo thiên tai, đặc biệt ở những lĩnh vực: Khai thác khoáng sản, thủy lợi, giao thông, du lịch, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Có những trận mưa lũ khiến cho 50% địa bàn của tỉnh mất điện do số lượng cột điện gãy đổ lên tới hàng trăm chiếc, hàng nghìn mét dây điện bị đứt. Nếu có sự cảnh báo sớm, đơn vị sẽ chủ động gia cố cột điện, tiến hành phát quang hành lang để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tháng 8/2019, chỉ sau một đêm mưa lớn, gần 30 ngôi nhà của người dân huyện Đầm Hà bị ngập úng cục bộ.

Mặc dù nhu cầu về thông tin, dữ liệu KTTV rất cấp thiết, nhưng thông tin dữ liệu từ các trạm KTTV hiện có lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện 7 trạm KTTV thuộc mạng lưới trạm quốc gia chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển, trong khi khu vực miền núi và hải đảo chỉ có 1 là trạm hải văn ở huyện Cô Tô.

Trong khi đó, 4 sông chính của tỉnh là Đá Bạc, Tiên Yên, Ba Chẽ và Ka Long đều có chế độ thủy văn phức tạp và thay đổi mạnh theo mùa, nhưng chỉ có 3 trạm KTTV đang hoạt động là: Đồn Sơn (sông Đá Bạc), Bến Triều (sông Kinh Thầy) và Bình Liêu (sông Tiên Yên).

Phân bố của các trạm không đều, 2 trạm ở hạ du sông Thái Bình và 1 trạm đặt trên sông Tiên Yên, còn các lưu vực sông khác không có trạm quan trắc. Việc phân bố không đều dẫn tới mật độ quan trắc chỉ đạt trên 2.000km2/trạm, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về mật độ quan trắc của Tổ chức Khí tượng thế giới WMO (1.875km2/trạm).

Ngoài việc phân bố không đều giữa các trạm KTTV, hiện 85 điểm đo mưa và đo mực nước cũng chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng ven biển và do các doanh nghiệp đầu tư để phục vụ hoạt động chuyên ngành là thủy lợi và khai thác than. Việc thiếu những trạm KTTV và các điểm đo KTTV chuyên dùng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dự báo, cảnh báo sớm các thiên tai, nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương luôn bị động trong công tác phòng chống thiên tai.

Được biết, để khắc phục tình trạng này, tháng 12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng. Theo kế hoạch, đến năm 2030 sẽ đầu tư 73 trạm KTTV, điểm đo KTTV chuyên dùng, còn trước mắt giai đoạn 2025 sẽ đầu tư 40 trạm, điểm đo KTTV chuyên dùng gồm 4 trạm khí tượng, 2 trạm KTTV, 1 trạm hải văn. Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị.
Tuy nhiên, khi bàn về xu thế thời tiết năm 2020, các chuyên gia KTTV nhận định, thời tiết sẽ có nhiều cực đoan khi nhiệt độ trung bình trên toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và từ tháng 6 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, hạn hán trên diện rộng.

Với một tỉnh ven biển có diện tích rộng và địa hình phức tạp, có sự phân hóa khí hậu rõ rệt theo các vùng, việc đầu tư hệ thống KTTV chuyên dùng cần triển khai sớm. Trong đó, ưu tiên đầu tư các trạm, điểm đo KTTV chuyên dùng phục vụ các ngành, lĩnh vực, khu vực đang có nhu cầu cấp bách về số liệu KTTV.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/can-som-hoan-thien-mang-luoi-quan-trac-kttv-chuyen-dung-2475186/