Cần sớm kiện toàn hành lang pháp lý về thừa phát lại ở Việt Nam

Để đảm bảo hoạt động Thừa phát lại phát triển bền vững cần tiếp tục kiện toàn hành lang pháp lý.

Chế định thừa phát lại (TPL) đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016 theo Nghị quyết số 107/2015/QH14. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và cải cách hành chính ở Việt Nam, thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn hành lang pháp lý về TPL, tạo khuôn khổ pháp lý phát triển nghề TPL bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án.

Nghị quyết số 107/2015/QH14 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định TPL được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Nghị quyết này cho phép chế định TPL được thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016.

Đến nay, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án thực hiện chế định TPL của 34 địa phương, trong đó có 31 địa phương đã thành lập được văn phòng TPL (bao gồm 13 địa phương thực hiện thí điểm). Bộ đã bổ nhiệm 530 TPL để hành nghề tại các địa phương theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm chất lượng đội ngũ TPL. Tính riêng từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 107, đã bổ nhiệm 210 trường hợp. Hiện có 81 văn phòng TPL được thành lập tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động của TPL trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời góp phần giúp giảm tải công việc và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án. Thống kê đến hết ngày 30/9/2018 của Bộ Tư pháp cho biết, các văn phòng TPL đã tống đạt được hơn 2,4 triệu văn bản của Tòa án và cơ quan THADS, lập gần 250 nghìn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án khoảng 1 nghìn việc, trực tiếp tổ chức thi hành án gần 700 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 470 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động TPL hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn trong thực tiễn như việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về TPL tiếp tục gặp khó khăn; nhận thức của một số cơ quan, cán bộ và xã hội về chế định TPL còn nhiều hạn chế; đội ngũ TPL chưa được đào tạo bài bản; có sự chậm trễ trong xây dựng hành lang pháp luật, cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chế định TPL… Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận, tổng kết, đánh giá thực tiễn, nhận diện những hạn chế, vướng mắc, xây dựng và kiện toàn hành lang pháp lý về TPL ở Việt Nam.

Cụ thể, sau khi chế định TPL được chính thức thực hiện trên cả nước thông qua Nghị quyết 107, việc xây dựng Luật TPL là một nhiệm vụ cần thiết, cấp thiết và tối quan trọng cần được triển khai. Luật về TPL cần được nghiên cứu xây dựng theo hướng cụ thể hóa tất cả các vấn đề về tổ chức và hoạt động của TPL, bao gồm cả những quy phạm pháp luật có liên quan. Luật TPL cũng phải đảm bảo cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo sự phù hợp của chế định TPL với các quy định của các đạo luật lớn trong lĩnh vực tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các hoạt động của TPL. Quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý TPL cũng cần lưu ý đến vấn đề mở rộng quyền hạn cho TPL, nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa TPL với chấp hành viên.

Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ TPL hướng tới chuyên nghiệp, có trình độ và phẩm chất đạo đức tốt. Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này phải vừa bảo đảm hiệu quả, vừa tạo điều kiện, hỗ trợ TPL nhưng cũng phải kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh những vi phạm, sai sót.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TPL để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết hơn về pháp luật, đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và sử dụng dịch vụ TPL. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... hoặc qua những ấn phẩm về TPL. Không những thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan và các địa phương cũng như tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp của các cơ quan trong việc thực hiện chế định TPL.

An Khê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/can-som-kien-toan-hanh-lang-phap-ly-ve-thua-phat-lai-o-viet-nam-472179.html