Cần sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu bảo vệ người gửi tiền. Sau 10 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để tổ chức Bảo hiểm tiền gửi tham gia có hiệu quả vào tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, một trong những giải pháp của Đề án là nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.

Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra nhiệm vụ cần sửa đổi Luật BHTG trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTGVN, tạo điều kiện cho BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là rất cấp bách trước yêu cầu hiện nay, để Luật BHTG được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, tạo nền tảng cho BHTGVN ngày càng phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, trước mắt là tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền.

BHTGVN đồng hành hiệu quả cùng các tổ chức tham gia BHTG và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền.

Cụ thể, liên quan đến việc tham gia xây dựng phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017), để BHTGVN thực hiện tốt nhiệm vụ này, Luật BHTG cần quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, bổ sung quy định theo hướng BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém như: Xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt thông qua các hình thức như: Tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của QTDND...

Đồng thời, Luật BHTG cũng cần quy định rõ vai trò giám sát, kiểm tra của BHTGVN để cơ quan này có thể đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm đối với TCTD có vấn đề thông qua việc trao quyền cho BHTGVN được tiếp cận sâu và đầy đủ với các thông tin về đánh giá sự lành mạnh của TCTD. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN như: Quy định BHTGVN phối hợp với NHNN kiểm tra, giám sát QTDND trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo yêu cầu của NHNN...

Về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, bổ sung quy định BHTGVN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017) và cụ thể hóa một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình cho vay đặc biệt, ví dụ: Nguồn vốn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD, cơ chế xử lý rủi ro...

Về mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, bổ sung quy định BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ để thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017) và cụ thể hóa một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN trong quá trình mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, ví dụ: nguồn vốn mua trái phiếu dài hạn, cơ chế xử lý rủi ro...

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của BHTGVN theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của BHTGVN và thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017), ví dụ, bổ sung quy định về bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN...

Để BHTGVN đồng hành hiệu quả cùng các tổ chức tham gia BHTG và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền, cần sớm sửa đổi Luật BHTG bởi chỉ với nền tảng pháp lý hoàn thiện, thống nhất, tổ chức BHTG mới có thể phát huy tối đa vai trò là “công cụ an dân” của Chính phủ, NHNN, cũng như góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống TCTD./.

PV

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-som-sua-doi-luat-bao-hiem-tien-gui-de-bao-ve-nguoi-gui-tien-107951.html