Cần sớm tính đến việc 'ngăn' và 'hướng' tiền rẻ

Tiền rẻ chưa quay trở lại, nhưng cần sớm tính đến việc ngăn tiền rẻ vào lĩnh vực 'nóng', đồng thời hướng dòng tiền vào phát triển các lĩnh vực quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành, qua đó giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Lãi suất tái cấp vốn có thể giảm thêm 0,5%/năm trong quý II/2023

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, ngày 31/3/2023, quyết định hạ 0,5%/năm lãi suất tái cấp vốn xuống 5,5%/năm, có hiệu lực từ 3/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước không nằm ngoài dự đoán, do cơ quan này đã công bố giảm một số loại lãi suất liên quan từ ngày 15/3/2023. Một yếu tố dẫn tới Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm lãi suất tái cấp vốn là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2023 bất ngờ giảm xuống mức 3,32% từ mức 5,92% trong quý IV/2022, được công bố chỉ một ngày trước đó. Hơn nữa, thị trường ổn định trở lại sau các rối loạn trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu (sự sụp đổ của SVB và Credit Suisse) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

“Như chúng tôi đã dự đoán trước đây, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, mặc dù Ngân hàng Nhà nước thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là kiểm soát lạm phát.

Vẫn theo ông Quang, bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 1%/năm sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài một năm của Fed đến nhu cầu trên toàn cầu.

“Chúng tôi tiếp tục cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 1%/năm lãi suất tái cấp vốn trong quý II/2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 0,5%/năm trước thời điểm cuối tháng 6 để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong nước”, ông Quang chia sẻ.

Biện pháp hạ lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV dự báo, lãi suất huy động vốn trong quý II/2023 có thể giảm 0,2 - 0,5%/năm, dựa trên 2 cơ sở chính.

Thứ nhất, bước sang quý II/2023, dự kiến áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ tiếp tục dịu dần, trong khi bức tranh tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ theo đuổi định hướng nới lỏng, với mục tiêu nhất quán là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, đồng thời kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động/cho vay, cũng như triển khai một số giải pháp để thúc đẩy tín dụng như ban hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, xem xét giãn nợ, cơ cấu nợ cho một số lĩnh vực…

“Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì điều tiết cung tiền tương đối dồi dào qua các công cụ trên thị trường mở để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Thứ hai, cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến có xu hướng đi ngang là chủ đạo trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể cải thiện so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và ở mức tương đương với tăng trưởng huy động vốn (ước khoảng 3%).

Tuy nhiên, vị lãnh đạo BIDV lưu ý, sức khỏe hệ thống ngân hàng chưa đồng đều và tiềm ẩn rủi ro liên quan đến vấn đề nợ xấu sẽ tiếp tục là yếu tố khiến lãi suất huy động khó có thể giảm sâu sau các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3/2023.

Hướng tiền rẻ vào phát triển cơ sở hạ tầng

Mặt bằng lãi suất huy động vốn được dự báo giảm 0,2 - 0,5%/năm trong quý II/2023, qua đó lãi suất cho vay sẽ giảm theo.

Nếu lãi suất giảm nhanh và mạnh, tiền rẻ có thể dẫn đến một số quan ngại. Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dẫn lại các bài học về tiền rẻ tại Mỹ, đó là khủng hoảng bất động sản năm 2008. Để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái, Fed liên tục hạ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng. Từ tháng 5/2001 đến tháng 12/2002, lãi suất có 11 đợt giảm, từ 6,5%/năm xuống còn 1,75%/năm. Lãi suất tín dụng thứ cấp cũng giảm theo.

Điều này kích thích sự phát triển của khu vực bất động sản và ngành xây dựng làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trước môi trường tín dụng dễ dãi, các tổ chức tài chính có xu hướng cho vay mạo hiểm, kể cả cho những người nhập cư bất hợp pháp vay. Hệ quả là vay và đi vay ồ ạt nhằm mục đích đầu cơ dẫn tới hình thành bong bóng nhà ở. Năm 2005, có tới 28% số nhà được mua là để nhằm mục đích đầu cơ và 12% mua chỉ để không.

Sau khi bong bóng nhà ở vỡ, các cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nhiều tổ chức tín dụng cho vay mua nhà không thu hồi được nợ. Giá nhà ở giảm nhanh khiến các loại giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (CDO) và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) do các tổ chức tài chính phát hành giảm giá nghiêm trọng. Bảng cân đối tài sản của các tổ chức này xấu đi và xếp hạng tín dụng bị các tổ chức đánh giá đánh tụt. Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp nổ ra.

“Từ năm 2008 cho đến trước đại dịch Covid-19, 11 năm tiền rẻ tràn ngập thị trường thế giới và Mỹ. Thời điểm đó, Mỹ đáng nhẽ nên tận dụng cơ hội để tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế cho thấy nước này đã không tận dụng được cơ hội, mà để cho tiền rẻ chảy vào chứng khoán và bất động sản”, ông Cường nhận xét.

Ngược lại với Mỹ, thời điểm đó là Trung Quốc đã tận dụng rất tốt tiền rẻ khi xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.

“Đây là hai bài học cho thấy tiền rẻ không phải là vấn đề xấu, không có gì đáng lo ngại, thậm chí rất tốt, nhưng quan trọng nhất là quản lý và phối hợp chính sách”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tiền rẻ lại xuất hiện tại Mỹ khi Fed liên tục bơm tiền, thậm chí mạnh hơn năm 2008 và dù có những đạo luật ngăn chặn nhưng dòng tiền rẻ tiếp tục chảy vào chứng khoán, bất động sản, không thực sự tập trung vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc sau đại dịch cũng phải kích cầu, bơm tiền và lần này xảy ra sự cố Evergrande dẫn tới khủng hoảng bất động sản, nhưng dù sao thì quốc gia này đã ngăn chặn được khủng hoảng.

“Diễn biến tại Trung Quốc tiếp tục là một cái bài học về phát triển bất động sản, nhưng khi cần thiết nền kinh tế vẫn phải có tiền rẻ để có thể ngăn chặn đà suy thoái. Việc sử dụng tiền rẻ như thế nào để hiệu quả phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý”, ông Cường nói và cho rằng, việc quản lý tiền rẻ như thế nào rất quan trọng, nhưng nhiều khi muốn đạt được chỉ tiêu nào đó lại dẫn đến việc quản lý có thể bị nới lỏng và dẫn đến những hệ lụy giống như đã xảy ra ở Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn 2.

“Các câu chuyện cho thấy: thứ nhất, phải ngăn chặn tiền rẻ vào lĩnh vực “nóng”; thứ hai, phải hướng được tiền rẻ vào phát triển các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa là rất quan trọng. Quan trọng hơn cả là việc phối hợp hai chính sách phải bằng hành động thực sự, chứ không chỉ lời nói”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-som-tinh-den-viec-ngan-va-huong-tien-re-post318892.html