Cần sớm trùng tu Đình Đông Môn gần 400 năm tuổi ở tỉnh Thanh Hóa

Đình cổ Đông Môn gần 400 năm tuổi, nét đẹp văn hóa, nhân chứng lịch sử cho sự phát triển của xã Vĩnh Long xuống cấp nghiêm trọng.

Ngôi đình cổ Đông Môn thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa gần 400 năm tuổi đã trở thành một nét văn hóa, nhân chứng lịch sử cho sự hình thành và phát triển của xã Vĩnh Long nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong lúc chờ cơ quan chức năng tìm ra giải pháp khôi phục, trùng tu, chính quyền địa phương buộc phải quấn bạt phần trên mái và cắm biển báo nguy hiểm.

Đình Đông Môn gần 400 năm tuổi đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được trùng tu.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết: Đình Đông Môn là di tích phụ cận của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm, bởi đình gắn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên, kể từ khi di tích bị xuống cấp nơi này lại trở thành khu vực nguy hiểm, không thể qua lại.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, đình Đông Môn thờ Thành Hoàng làng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Đình được xem là một trong những ngôi đình cổ nhất ở tỉnh Thanh Hóa còn giữ được nguyên trạng. Đình Đông Môn được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), cách cổng thành phía đông Thành Nhà Hồ 70m, mặt trước hướng về phía hào nước của thành đá nhà Hồ, theo phong thủy thì nằm đúng thế “tụ thủy”, là điềm thịnh mãn cho làng. Đình nằm ở vị trí trung tâm có ý nghĩa lớn về vị trí địa lý và tâm linh đối với nhân dân trong làng.

Đình Đông Môn là di tích phụ cận của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với nhiều chi tiết trạm khắc tinh tế.

Theo sổ sách ghi lại, xưa kia Đông Môn là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ là ông Vũ Khắc Minh cai quản, người có công lao lớn đối với họ Lê và chúa Trịnh. Ông Vũ Khắc Minh từ Hà Nam Ninh vào Thanh Hóa chiêu nạp con cháu họ Vũ và Nhân dân khai ấp họ Trịnh, khôi phục lại làng Đông Môn. Khi ông Vũ Khắc Minh mất thì nhân dân suy tôn là Thành Hoàng làng và đình Đông Môn là nơi thờ tụng, sau này nơi đây được sử dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Hiện nay dân cư trong làng Đông Môn chủ yếu mang họ Vũ.

Trong đình làng hiện nay còn lưu giữ đôi câu đối: “Hồ Thành đối trĩ giang sơn cựu/Trịnh ấp tung hoành đồng Vũ tân (Thành Nhà Hồ đứng sừng sững cùng non sông kỳ cựu Ấp họ Trịnh, tòa ngang, dãy dọc, họ Vũ mới xây). Kiến trúc của đình gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, bốn tàu mái cao rộng đó không trở nên nặng nề vì nhờ bốn góc có bốn tầu đao cong vút như nâng các tàu mái bay bổng.

Được biết, năm 2010, đại diện Tổ chức ICOMOS, Giáo sư Akira Ono (Nhật Bản) đã có chuyến công tác thực tế tại Di sản để thẩm tra hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Qua khảo sát Giáo sư Akira Ono nhận định đình Đông Môn là một di tích quan trọng trong hệ thống các di tích phụ cận của di sản Thành Nhà Hồ, có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết cộng đồng làng xã. Đình Đông Môn cũng chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của nhân dân, chính quyền địa phương và chuyên gia quốc tế trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản Thành Nhà Hồ.

Toàn bộ phần mái ngói của đình Đông Môn đã xuống cấp nghiêm trọng

Hiện nay toàn bộ phần mái ngói của ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, các lớp ngói bị tụt thành hàng, rơi khỏi vị trí ban đầu. Phần mái ngói bị dồn ra phía trước vừa mới được chính quyền địa phương cho giăng bạt để giữ phần ngói bị tụt và đặt biển báo trước đình làng để cấm người dân và khách du lịch vào bên trong. Ngoài ra, các kết cấu bằng gỗ bên trong ngôi đình hầu như đã bị mốc đen, một số các cột, kèo đã bị mục do ngấm nước mưa.

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của đình Đông Môn, ông Nguyễn Văn Điệp, Trưởng thôn Đông Môn cho hay: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm xem xét, nghiên cứu đầu tư, bảo vệ ngôi đền vì mùa mưa bão sắp đến có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Bờ tường bao quanh cũng nứt, sụt và trẻ con hay tò mò có thể vào chơi, trốn tại đây. Những năm trước, bà con nhân dân trong làng Đông Môn vẫn tổ chức được các các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại ngôi đình này.”

Trước kiến nghị của người dân, ngày 13/6/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan và UBND xã Vĩnh Long khẩn trương kiểm tra thực tế.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải thực hiện các biện pháp chống đỡ, tránh sập đổ công trình, bảo quản di vật, hiện vật thuộc di tích, đảm bảo an ninh, an toàn cho người và nội thất đồ thờ của di tích; đề xuất phương án bảo quản, trùng tu di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-som-trung-tu-dinh-dong-mon-gan-400-nam-tuoi-o-tinh-thanh-hoa-245729.html