Cần sớm xử lý triệt để nghịch lý ô nhiễm môi trường từ nhà máy xử lý rác ở Củ Chi

Việc đầu tư, quản lý không bài bản, công nghệ lạc hậu của 2 nhà máy xử lý rác ở Củ Chi đã trở thành điểm nóng nhức nhối gây ô nhiễm môi trường.

Môi trường bị bức tử và tiếng kêu cứu của người dân

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hình thành năm 2003 và giao cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar...quản lý. Những năm gần đây, ô nhiễm do hai khu xử lý rác của gây ra trở nên nghiêm trọng, người dân bức xúc.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh, nhân dân địa phương phải chịu ảnh hưởng rất lớn về môi trường do hoạt động của khu xử lý rác trong nhiều năm qua. Mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh chủ yếu từ hoạt động xử lý rác, khu vực ô nhiễm mùi hôi có bán kính đến 10km. Vào mùa mưa, kết hợp triều cường, tình hình thu gom nước thải sau xử lý tại khu liên hợp vẫn chưa đảm bảo.

Nước rác được xả ra hệ thống kênh 15, kênh 17, kênh 18 gần đó trở thành "nguồn tai họa" cho đời sống thường nhật của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo quan sát, bãi rác cao như núi của Vietstar mặt trước giáp kênh 18, mặt sau giáp kênh 17. Cả hai con kênh 17, 18 đều có màu vàng sậm, tanh tưởi của nước rỉ rác, thông ra con kênh lớn Thầy Cai.

Từ xa, đã thấy đống rác cao như núi, phủ bạt đen rách lổ chỗ. Cách mặt tiền công ty vài bước chân, ngay dưới chân “núi” rác là một miệng cống thông ra kênh 18, chảy ra kênh Thầy Cai.

Ở phía sau, bãi rác đồ sộ của Vietstar nằm sát con đường đi vào nhà dân ngăn cách bởi hàng rào kẽm xiêu vẹo. Bạt phủ bãi rác rách nát, rác lộ thiên, có nơi rác đổ tháo ra đường. Mái che kho rác xiu vẹo, nhếch nhác. Đứng từ bên ngoài có thể nhìn thấy nhiều vũng nước rỉ từ rác lênh láng bên trong, tràn trên nền đất.

Bãi rác ở nhà máy xử lý rác công ty Vietstar

Theo các chuyên gia trong công nghệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp thì khâu xử lý nước rỉ từ rác rất quan trọng. Tuy nhiên, Vietstar chỉ đào rãnh theo vòng cung quanh đống rác, sau đó lót thêm tấm nhựa để… chống thấm, và hứng nước rỉ từ trên chảy xuống. Như vậy với lượng rác hàng nghìn tấn mỗi ngày, lượng nước rỉ tính theo đơn vị hàng trăm mét khối/ngày thì những rãnh nhỏ được đầu tư hết sức sơ sài này có kham nổi?

Mặc dù có ao chứa xử lý nước thải nhưng khi nước rỉ từ bãi rác không làm nước ao dâng lên. Câu hỏi đặt ra là nước thải này đã đi đâu nếu không chảy ra kênh rạch xung quanh. Loại nước bẩn này cùng với hệ thống khói từ đốt rác không qua xử lý đã làm tăng thêm độ ô nhiễm không khí trong mùa nắng. Gió thổi khiến mùi hôi bay khắp vùng.

Nằm cách Khu xử lý rác liên hợp Tây Bắc chừng 200m là khu dân cư của khoảng 20 hộ dân thuộc xã Thái Mỹ. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc ô nhiễm không khí, nguồn nước từ các bãi rác. Hiện, đất ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã bị ô nhiễm nặng, người dân không thể canh tác, không kiếm thêm được thu nhập, đời sống khó khăn.

Nguồn nước gần khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Tiễn (70 tuổi) sống ngay cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, cho biết ông sống ở đây từ trước khi có bãi rác. Từ khi chuyển bãi rác về đây, cuộc sống đảo lộn, mùi hôi thối của rác, ruồi muỗi, nước thải đen ngòm "bủa vây" cuộc sống gia đình ông.

Bà M. một người dân sinh sống gần khu vực nhà máy chia sẻ: Ngày tui còn nhỏ, tui thường nhảy xuống kênh tắm, lội qua lội lại. Nước trong xanh, thấy rong ở tận đáy. Từ ngày có nhà máy xử lý rác, nước kênh hôi thúi không ai dám tắm, con cá bắt dưới kênh đầy ghẻ chóc cũng không ai dám ăn.

“Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa là con kênh này hôi thúi chịu không nổi. Mùa khô thì họ tưới nước lên rác, cho rác mụt, xẹp xuống để có chỗ đổ rác mới. Nước rỉ rác chảy xuống hồ chứa, nhưng mùa mưa dầm dề thì làm sao hồ nào chứa nổi. Mùi hôi từ bãi rác theo gió bay khắp xã Thái Mỹ, Phước Hiệp”. Bà Mỹ thông tin thêm.

Khói thải từ nhà máy đốt rác gây ô nhiễm

Ở trong tình trạng tương tự, Nhà máy xử lý rác của Tâm Sinh Nghĩa chỉ cách Vietstar một cây cầu bắc qua kênh 18 chảy ra kênh Thầy Cai. Điều đáng nói là nhà máy này cũng để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Quan sát trực quan có thể nhìn thấy quá trình đốt rác của công ty này đã xả khói đen lên trời kèm mùi hôi tanh không chịu nổi. Các cột khói thay nhau nhả khói đen mịt mù như lò gạch, kéo dài mỗi đợt chừng 30 phút. Khói đen theo gió có khi tạt ra tỉnh lộ 8, có lúc tạt về hướng Vietstar, lan ra các khu vực lân cận.

Bao năm nay, người dân các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, Tân An Hội… kêu trời vì vừa phải ngửi khói, vừa ngửi mùi hôi từ nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa.

Mặc dù đã nhiều lần báo chí lên tiếng về khả năng xử lý rác của hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, bị Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM nhắc nhở… thế nhưng đến hôm nay, tình trạng nhếch nhác, làm ô nhiễm môi trường sống, rừng nguyên sinh, ao hồ tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi theo thời gian càng tệ hại hơn.

Hệ thống xử lý kênh dẫn nước của nhà máy xử lý rác thải tại Củ Chi đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo môi trường

Cần sớm có biện pháp kiên quyết

Theo thống kê, lượng rác thải của thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phải thu gom hàng chục nghìn tấn. Để giải quyết tình trạng này, TP Hồ Chí Minh đã cho triển khai Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Năm 2019, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ đốt rác, tái chế, chôn lấp cũ. Tổng mức đầu tư nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa giai đoạn 1 khoảng 5.000 tỉ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2009, công ty Cổ phần Vietstar (Vietstar) cũng đã chính thức tiếp nhận, xử lý chất thải đô thị tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP, huyện Củ Chi với công suất đạt 600 tấn/ngày, sau đó nâng lên thành 1.400 tấn/ngày.

Công ty CP Vietstar được giới thiệu là Công ty thành viên của Tập đoàn Lemna – với trên 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải. Đặc biệt, công ty có quy trình kiểm soát mùi hôi trong quá trình xử lý rác thải và không gây ô nhiễm môi trường.

Những tưởng nhà máy rác đi vào vận hành sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm của thành phố gần chục triệu dân. Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang khi các nhà máy đã không thực hiện tròn sứ mệnh của mình mà còn gây nhức nhối cho môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Điều đáng nói là kể từ khi đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar do vi phạm về môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước nhưng các đơn vị này chưa xử lý triệt để và ngày càng trầm trọng hơn.

Quá trình đốt rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc phát sinh khói mù mịt

Ngay tại thời điểm 2010, tức chưa đầy một năm đi vào hoạt động nhà máy của Vietstar đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí khiến người dân xã Thái Mỹ phải làm đơn kêu cứu, đề nghị các ngành chức năng của TP và UBND huyện Củ Chi có biện pháp xử lý. Thời điểm đó Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM đã kiểm tra, xác định 2 khâu phát sinh mùi hôi thối và yêu cầu công ty xử lý.

Năm 2018, đối với Công ty Vietstar, Tổng cục Môi trường đã thanh tra và phát hiện công suất thiết kế nhà máy xử lý rác của công ty này là 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên, thực tế công ty này tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%). Đến tháng 7/2020, Tổng cục Môi trường tiếp tục kiểm tra, phát hiện công ty tiếp nhận của TP.HCM khoảng 2.000 tấn/ngày, vượt quá công suất thiết kế.

Tương tự đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, năm 2018 Tổng cục Môi trường thanh tra, phát hiện công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, công ty này tiếp nhận 1.200 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế 20%).

Việc tiếp nhận quá công suất thiết kế khiến lượng rác không được xử lý dư thừa. Bên cạnh đó, hai công ty này còn vi phạm một số nội dung khác trong việc lưu trữ rác và xử lý nước rỉ rác dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao, một nhà máy xử lý môi trường lại để gây ô nhiễm môi trường? Và câu chuyện đã kéo dài từ rất lâu nhưng vì sao chưa được xử lý?

Phải chăng, cả hai công ty xử lý rác tọa lạc nơi dân cư thưa thớt, gần rừng nguyên sinh, sông suối… và được chính quyền ưu ái mà họ tự tin phớt lờ những ý kiến của người dân.

Theo chuyên gia, việc ô nhiễm nguồn nước, không khí có ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe con người. Sinh hoạt thường ngày có nguy cơ bị đảo lộn; Đồ ăn thức uống bị mất vệ sinh do nguồn nước và thu hút côn trùng như ruồi, muỗi…; Các bệnh về hô hấp, ghẻ lở, bệnh truyền nhiễm tăng lên. Việc canh tác, sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm kéo dài cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khi không thể hoàn thành tiêu chí “môi trường” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng rõ những vấn đề trên và có biện pháp dứt điểm để xử lý những tồn tại tại 2 nhà máy xử lý rác này, trả lại môi trường thiên nhiên trong lành cho con cháu mai sau trước khi quá muộn màng.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-som-xu-ly-triet-de-nghich-ly-o-nhiem-moi-truong-tu-nha-may-xu-ly-rac-o-cu-chi-262323.html