Cần sự 'bắt tay' chặt hơn giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo

Chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) sẽ đem lại những bứt phá mới trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động liên kết giữa GDNN và DN chưa đi vào chiều sâu, vẫn chỉ mang tính hỗ trợ từ một phía của DN cho cơ sở GDNN.

Liên kết DN - nhà trường mang lại nhiều lợi ích

Xác định GDNN có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập, tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở GDNN thuộc Bộ Công Thương đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, người học sau tốt nghiệp từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN

Tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong GDNN

Theo báo cáo tổng kết của Trung tâm hợp tác với DN của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2017, số lượng các khóa học ngắn hạn do DN gửi tới trường đào tạo là 148, số lượng học viên lên tới 1.795 người, tăng 174,78% so với năm trước. Số lượng chương trình thực tập trải nghiệm tại DN là 26, với khoảng 1.938 sinh viên tham gia tại các DN như: Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Foxconn, Toyo Denso, TNHH Gia Minh... Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay chiếm khoảng từ 58,6% - 65%, số lượng sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp chiếm khoảng 86,9%.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (Lilama 2) đã học tập CHLB Đức trong việc thực hiện mô hình DN được khuyến khích tham gia vào các quy trình tuyển sinh, thiết kế chương trình, giám sát chất lượng đào tạo... Hay hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hai phòng thí nghiệm chung (1 đặt tại Rạng Đông và 1 tại trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất – kinh doanh…

Cần sự “chung sức” giữa các bên

Mặc dù, sự hợp tác giữa DN và nhà trường trong GDNN mang lại nhiều lợi ích, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm đầu ra, đầu vào cho hoạt động đào tạo, song theo Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa DN với hoạt động GDNN trên thực tế hiện nay rất lỏng lẻo. Nhiều DN thờ ơ với hoạt động GDNN.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, DN - nhà trường không thể mãi “bắt tay” trên giấy. DN phải chủ động đến - hợp tác với phía trường nghề, còn phía trường nghề cũng chủ động tìm đến DN để giải phóng nguồn lực. "Chỉ khi DN, nhà trường cùng có động lực, cùng có áp lực thì bắt tay với nhau mới hiệu quả được. Không thể chỉ hợp tác trên giấy, hình thức, hợp tác phải gắn với lợi ích, không giải quyết được bài toán lợi ích sẽ không có hợp tác thực chất" - ông Lê Quân cho hay.

Đồng tình việc DN cần chủ động "bắt tay" với trường nghề, đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nhà trường, song bà Vi Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng chỉ ra thực trạng hiện có một số quy định hạn chế sự tham gia của DN vào hoạt động GDNN. Đơn cử như quy định người hướng dẫn tại DN có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ làm khó DN khi tham gia hoạt động này. Vì vậy, theo bà Vi Thị Hồng Minh cần hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế liên quan đến GDNN, tập trung đổi mới hơn nữa phương thức đào tạo gắn liền với DN. Cụ thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép", phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại DN; thường xuyên mời các chuyên gia từ DN đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa.

Thời gian qua, chất lượng giáo dục đại học, GDNN tăng lên đáng kể, bởi 3 lý do: Tiếp nhận tầm nhìn, công nghệ quốc tế, đẩy mạnh tự chủ và gắn kết DN với nhà trường.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-su-bat-tay-chat-hon-giua-doanh-nghiep-va-co-so-dao-tao-128465.html